Nhiều người truyền tai nhau thông tin nước đun sôi để nguội (nước lọc) có thể bị… thiu do sự hấp thụ CO2, dễ gây nguy hiểm cho sức khoẻ người uống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nước lọc bị thiu là điều có thể nếu có sự phân hủy của vi khuẩn, enzym nấm mốc; còn việc nước hấp thu CO2 là không thể. Vì thế, nếu khâu vệ sinh và bảo quản nước lọc được đảm bảo thì không đáng lo.
Hoang mang vì thông tin nước hấp thu CO2
Bà Đinh Thị Mặc (Gia Lâm, Hà Nội) cho chúng tôi biết, mấy ngày trước bà đã rất hoang mang khi đọc được thông tin về khả năng nước lọc bị thiu, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người uống.
Bà cho biết, một số trang mạng dẫn chứng thông tin từ nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng ngay cả nước lọc cũng có thể bị thiu khi để bên ngoài. Họ phát hiện rằng, nếu để một cốc nước ở bên ngoài qua đêm, thành phần hóa học của nó có thể bị thay đổi khiến cho sáng hôm sau khi bạn uống cốc nước đó sẽ thấy mùi vị hơi khác. Nếu bạn tinh ý sẽ thấy nó có vị hơi chua. Đó cũng là lý do vì sao một số loại nước khoáng đóng chai có hạn sử dụng.
Cũng theo những gì bà Mặc đọc được, dù nước không có protein và các loại đường giống như đồ ăn hay các đồ uống khác, khiến cho vi khuẩn phân hủy và làm chúng bị thiu, nhưng nước lại thiu theo một cách khác. Đó là, về cơ bản thành phần hóa học bên trong nước không thay đổi, nhưng nếu bạn để nước trong một cốc thủy tinh qua đêm, nó sẽ hấp thụ một số carbon dioxide (CO2). Một lượng nhỏ CO2 hấp thụ vào trong nước bị biến đổi thành axit carbonic (H2CO3). Chính điều này làm giảm độ pH của nước và khiến cho nó có vị hơi chua...
Tuy nhiên, theo KS Nguyễn Văn Lâm, chuyên gia về nước thuộc Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, thông tin nước hấp thu CO2 cần phải được kiểm chứng lại nguồn của nghiên cứu và kết quả đánh giá. Bởi điều này rất khó xảy ra đối với nước đã đun sôi để nguội. Vì thế, việc nước lọc bị thiu, hỏng hay nhiễm độc gây ảnh hưởng sức khoẻ do hấp thu CO2 là không có.
|
Ảnh minh họa. |
Tránh nhiễm khuẩn thứ cấp
Phân tích về vấn đề này, KS Nguyễn Văn Lâm cho biết, lý do không có sự hấp thu CO2 bởi vì đã có sự cân bằng. CO2 trong nước đun sôi là dạng hòa tan. CO2 trong không khí đã cân bằng do áp suất không thay đổi. Muốn CO2 trong không khí hấp thu vào nước cần phải có sự thay đổi áp suất xuống thấp như nước đã bị làm lạnh hoặc sục CO2 vào nguồn nước... Vì thế, nguy cơ hấp thu CO2 làm biến đổi thành axit carbonic (H2CO3) là không xảy ra.
Tuy nhiên, ở góc độ ảnh hưởng sức khoẻ, vị chuyên gia này cho rằng, việc cần tránh khi sử dụng nước lọc chính là ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn thứ cấp. Nhiễm khuẩn sơ cấp chính là nước lã ban đầu, nhưng đã được tiêu diệt bởi quá trình đun sôi. Thứ cấp chính là nhiễm khuẩn trở lại. Bởi trong môi trường của nước ta, độ ẩm không khí cao nên vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh. Nếu nước đun sôi không được bảo quản tốt sẽ xảy ra tình trạng vi khuẩn xâm nhập gây nấm mốc cho nước mà mắt thường khó nhìn thấy. Hiện tượng nhiễm khuẩn thứ cấp này cũng tùy vào địa điểm, môi trường, dụng cụ đựng nước và thời gian.
“Nhìn chung, nước được bảo quản trong bình kín có thể an toàn trong vài ngày nếu ở môi trường sạch sẽ, ít bụi bẩn. Còn nếu để cốc nước ra ngoài không khí, không bảo quản thì sau hai giờ đã có nhiễm khuẩn. Về cơ bản, nước đã nhiễm khuẩn là không tốt, không sạch và không an toàn. Khi vi khuẩn, nấm mốc phát triển và phân hủy trong nước đã đun sôi để nguội này cũng có thể xem là nước thiu”, KS Nguyễn Văn Lâm cho hay.
“Nước đun sôi để nguội thường ít có tác động đến dụng cụ bảo quản như bình chứa hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà đựng vào dụng cụ nào cũng được, nhất là các bình nhựa. Bởi trong môi trường nước, nhựa vẫn bị thôi ra, gây nhiễm độc. Đặc biệt, cần tránh những loại bình sử dụng nhựa tái chế vì các tính chất hóa lý đã bị thay đổi dẫn đến gây hại cho người uống nước”.
KS Nguyễn Văn Lâm
Hiền Dung