The Hindu dẫn lời Janhvi Mehta, một bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Jaslok (Ấn Độ), cho biết từng tiếp nhận một bệnh nhân 23 tuổi mất thị lực do biến chứng sốt xuất huyết Dengue.
"Ngoài sốt cao và phát ban, cô ấy bị mù đột ngột khiến gia đình rất lo lắng. Ở mắt trái, chúng tôi phát hiện thấy một vết bong võng mạc. Nói cách khác, võng mạc của bệnh nhân không đúng vị trí và có rất nhiều chất lỏng, máu tích tụ dẫn đến mất thị lực", bác sĩ Mehta kể lại.
Ở mắt phải của bệnh nhân, bác sĩ phát hiện thủy tinh thể bị mờ hoàn toàn.
|
Ảnh minh họa: Times Of India. |
Nữ bệnh nhân đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật mắt, may mắn cuối cùng thị lực của cô gái trẻ cũng dần hồi phục.
Bác sĩ Chinmay Nakhwa cho hay việc đi khám mắt kịp thời là rất quan trọng để cứu vãn thị lực. "Virus làm giảm khả năng miễn dịch và chúng tôi cho rằng đó là lý do chính các bệnh nhiễm trùng cơ hội như nhiễm trùng ở mắt xảy ra ở bệnh nhân", bác sĩ Nakhwa nói.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh, trong đó chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti.
Ngoài mất thị lực, biến chứng sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong vì gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, dẫn đến sốc hoặc gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau...
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, do đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.
An An (Theo Hindu)