|
Ảnh minh hoạ. |
Có gây ung thư không?
Từ Paris ở Pháp, London ở Anh, Stockholm ở Thụy Điển, cho đến New York ở Mỹ, hầu hết các cơ quan, các công sở, các trường học và bệnh viện đều có lò vi sóng, thay vì trang bị nồi niêu xoong chảo phục vụ công việc nấu nướng. Khoảng 90% ngôi nhà ở Mỹ có sự hiện diện của lò vi sóng.
Một hộp thức ăn cho vào trong lò. Ánh sáng Halogen xanh mờ. Tấm kính quay quay. Tiếng vo ve chấm dứt trong một tiếng “Pink” sắc gọn. Những điều đó đã trở nên thân quen với hầu hết mọi người trong số chúng ta, đó là lò vi sóng, một dụng cụ phổ biến trong bếp ăn dùng để hâm nóng và nấu chín mọi thứ, từ tách cà phê cho đến tảng thịt lợn.
Đã hơn 70 năm kể từ cái ngày định mệnh kĩ sư Percy Spencer tình cờ phát minh ra lò vi sóng, cho đến hôm nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết về thiết bị này. Mạng xã hội còn đầy những lời đồn thổi gây ra mối lo ngại, không ít người nội trợ đã lo sợ lò vi sóng có thể gây ung thư, nên họ thẳng thừng từ chối.
Từ ánh sáng nhìn thấy qua sóng vi ba, đến sóng vô tuyến; đều là các dạng bức xạ không ion hóa. Bức xạ không ion hóa được hiểu là bức xạ không có đủ năng lượng để đánh bật các ion ra khỏi nguyên tử của nó. Tức là sóng vi ba phát ra từ lò vi sóng không thể bằng cách nào để biến đổi cấu trúc nguyên tử, vậy càng không thể biến đổi phân tử, nên sóng vi ba sẽ không làm biến tính thức ăn để gây ung thư.
Tia X chính là một dạng bức xạ ion hóa. Tia tử ngoại hay tia cực tím cũng là một dạng bức xạ ion hóa. Khi tiếp xúc với bức xạ ion hóa, các ion dễ dàng bị đánh bật ra khỏi nguyên tử, làm cho nguyên tử thay đổi, cấu trúc phân tử cũng bị thay đổi, gây tổn hại đến tế bào, nên có thể gây ra ung thư.
Không những nấu ăn bằng lò vi sóng không gây ung thư như đồn thổi, mà còn có nhiều tác dụng hơn so với nấu bếp điện, bếp ga, than củi; cụ thể như tiết kiệm năng lượng, giảm thời gian nấu thức ăn, đặc biệt là giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn trong thức ăn.
Nhiều người rất lo ngại nấu bằng lò vi sóng sẽ mất chất dinh dưỡng
Về logic như đã nói ở trên, thực phẩm giàu nước hấp thụ nhiều sóng vi ba hơn nên dễ chín, đồng thời sóng vi ba không đủ năng lượng để biến tính thức ăn, vì thế mà nấu ăn bằng lò vi sóng sẽ giúp cho thực phẩm tươi nguyên hơn, giữ lại nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Khác với các phương pháp nấu khác là thức ăn nóng từ ngoài vào nên cần thời gian lâu hơn, thì lò vi sóng làm cho thức ăn nóng từ trong ra, nên thời gian làm chín thức ăn rất nhanh, đảm bảo các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt như Vitamin ít bị phá hủy.
Các nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ)cho thấy, nấu chín thức ăn bằng bằng bếp củi mất 77% Vitamin so với nấu bằng lò vi sóng, hàm lượng chất Nitrosamine gây ung thư cũng cao hơn đáng kể so với nấu bằng lò vi sóng.
Một nghiên cứu năm 2003, công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm và Nông nghiệp của Mỹ cũng cho thấy, bông cải xanh nấu bằng lò vi sóng giảm 74% - 97% chất ôxy hóa, tức là giảm nguy cơ gây ung thư. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, hấp bông cải bằng lò vi sóng giữ được hầu hết các Vitamin, trong khi luộc trong nước sôi thì lượng Vitamin giảm đi khá nhiều.
Sử dụng như nào cho an toàn
Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành quy định sản xuất lò vi sóng an toàn kể từ năm 1971. Dù chưa có những bằng chứng về sự nguy hiểm của lò vi sóng với sức khỏe, nhưng bản chất vi ba là sóng điện từ nên cần thiết phải ngăn ngừa để cơ thể bị hập thụ từ lò vi sóng. Vì thế mà FDA cũng khuyến cáo người dân cách sử dụng lò vi sóng an toàn như sau:
- Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
- Sử dụng các vật dụng an toàn khi cho vào lò vi sóng.
- Không sử dụng lò vi sóng khi cửa không đóng chặt, cong, vênh.
- Không sử dụng lò vi sóng vẫn chạy khi mở cửa.
- Không đứng sát ngay lò vi sóng đang sử dụng.
- Không để trẻ em sử dụng lò vi sóng.
- Không đun nấu chất lỏng quá lâu trong lò vi sóng.
- Không vận hành lò vi sóng khi không có thức ăn.
- Thường xuyên vệ sinh lò vi sóng.
- Không dùng vật liệu gây mòn để cọ rửa lò vi sóng.
Theo BS Trần Văn Phúc/ Infonet