Trầu không loại cây dây leo, được trồng rộng rãi trong nhân dân. Đây là một loài cây thuốc vì nó có đầy đủ các tính chất dược học. Theo Đông y, trầu không vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn. Thành phần quan trọng của lá trầu không là đường và tinh dầu (tinh dầu từ 0,7 - 2,6%).
Theo kinh nghiệm, lá trầu không được sử dụng chữa một số bệnh rất hiệu nghiệm, chẳng hạn lá trầu không nấu nước rửa vết thương hàng ngày. Để chữa nước ăn chân, theo kinh nghiệm có thể lấy 10 lá trầu không đun sôi với nửa lít nước, để nguội, cho một cục phèn chua to bằng đầu ngón tay cái, đánh tan. Dùng nước này rửa kỹ các kẽ ngón chân bị loét ngứa rất hiệu nghiệm.
Cần chú ý, giữ chân sạch, nhất là các kẽ ngón chân là nơi thường ẩm và bẩn, rất thuận lợi cho bệnh phát triển. Sau khi lội nước bẩn phải rửa chân kỹ bằng nước sạch, rồi lau khô bằng khăn sạch, đặc biệt chú ý các kẽ ngón chân, không để bẩn và ẩm ướt. Nếu bị bội nhiễm với biểu hiện kẽ chân lở loét, nóng, đỏ, có mủ,... người bệnh nên đến cơ sở y tế để được điều trị hiệu quả.
Theo BS. Nguyễn Xuân/Phunu News