Công an tỉnh Phú Thọ đã tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính (bột ngọt), 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (ở xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, Phú Thọ). Cùng với đó là gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, sang chiết các loại mì chính, hạt nêm, bột canh giả nói trên và gần 1,6 triệu vỏ bao bì, can nhựa đựng sản phẩm cùng dây chuyền sản xuất đóng gói.
Theo kết quả trưng cầu giám định của Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định về thành phần, định lượng, định tính giá trị dinh dưỡng trong các sản phẩm mì chính, dầu ăn, bột canh cao cấp, hạt nêm nói trên, do Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đóng gói và sản xuất đều không đạt so với các chỉ tiêu công ty công bố hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn sản phẩm.
 |
Các sản phẩm hàng giả được Công ty TNHH Famimoto Việt Nam bán cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ |
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS. TS, NGƯT Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các sản phẩm làm giả đều nguy hiểm đối với sức khỏe người dùng.
Theo ông Thịnh, cơ quan chức năng cần công bố các sản phẩm có những chất gì. Có các chất nguy hại về an toàn thực phẩm không. Sản phẩm không đạt chỉ tiêu như công ty đã công bố thì cụ thể là bao nhiêu và cần phải công bố rõ ràng mì chính giả, hay dầu ăn, bột nêm giả đó là giả cái gì?
Nếu họ lấy mì chính xuất xứ của Trung Quốc về đóng vào gói và in nhãn hàng của Nhật, Singapore... thì đây là giả thương hiệu, gian lận thương mại. Vì mì chính của Trung Quốc và mì chính của Nhật khác nhau về giá. Tuy nhiên, mì chính Trung Quốc vẫn tốt, nhưng không đắt như mì chính Nhật (mì chính tốt thường phải đạt 99,8% axit glutamic). Vì vậy, cũng cần làm rõ nếu họ làm mì chính giả thì làm giả của ai, của Trung Quốc hay của các nước khác. Nếu sản phẩm này có hàm lượng mì chính thấp, muối cao thì vẫn an toàn. Nhưng độn các chất độc hại thì ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng.
Còn bột nêm có các thành phần đơn giản, gồm: bột ngọt, muối, chất tạo kết dính, umami chất tạo hương vị. Vậy cần làm rõ giả ở đây họ đã độn chất gì vào. Nếu họ mua hạt nêm về nghiền, rồi lấy bột thực phẩm như bột mì, bột sắn trộn vào … thì đây là làm giả. Nhưng chỉ độn bột thực phẩm vào vào thì an toàn, chỉ có điều sản phẩm có chất lượng thấp, giá rẻ mà người ta bán với giá cao, lừa người tiêu dùng để kiếm lời.
Hay nếu họ làm giả nhưng in nhãn hàng thật của các thương hiệu lớn để bán thì đây là hành vi gian lận thương mại. Và nếu họ mua nguyên liệu về sản xuất và in nhãn của họ nhưng trong sản phẩm có độn chất độc hại thì thuộc phạm vi an toàn thực phẩm. Vì vậy, đ
ể xác định cụ thể nguy hại như thế nào cần có định lượng chắc chắn, khoa học.
Cơ quan chức năng cũng cần cung cấp cho người dân hiểu được trong bột nêm đó chứa chất gì, thứ hữu ích là bao nhiêu, không hữu ích hay nguy hại là bao nhiêu?
Đối với dầu ăn, ông Thịnh cho biết, hiện có nhiều loại dầu thực vật bán trên thị trường như dầu lạc, dầu vừng, dầu ô liu, dầu đậu tương, dầu hướng dương, dầu dừa…. Nếu họ lấy dầu đắt tiền trộn với dầu rẻ tiền để bán với giá trị là dầu đắt tiền thì đây cũng là hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng… Nhưng sự trộn lẫn này vẫn an toàn, không độc hại.
Nhưng nếu trong trường hợp họ thu gom loại dầu đã qua sử dụng từ các nhà hàng, khách sạn… với số lượng lớn và tái chế bán ra thị trường như dầu chính phẩm thì rất đáng lo ngại. Bởi dầu tái chế này bị biến tính, axit béo bị bẻ gẫy tạo nên chất độc gây hại cho sức khoẻ người sử dụng. Loại dầu này ăn vào không bị ngộ độc cấp tính ngay mà làm cho người sử dụng bị nhiễm độc, tích tụ dần, ảnh hưởng về sau, gây nguy hiểm với sức khoẻ.
Bình Nguyên