Sốt rét từ khắp nơi xâm nhập Việt Nam
Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, vừa tiếp nhận điều trị hai ca sốt rét ngoại lai trên địa bàn tỉnh TT-Huế.
Ca mắc thứ nhất là ông Nguyễn Đ. H. (47 tuổi, trú thị xã Hương Thủy, TT-Huế; từng làm việc ở Lào 12 năm). Trước đó, khi làm việc tại Lào, ông H. có triệu chứng sốt. Khi trở về quê Hương Thủy, người tiếp tục có biểu hiện sốt, nhức mỏi toàn thân, rét run... nên được đưa đến kiểm tra, xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh TT-Huế.
Kết quả xét nghiệm, ông H. bị mắc sốt rét nên được chuyển đến Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện T.Ư Huế điều trị.
Ca mắc thứ hai là anh Trương T. M. Ng. (36 tuổi ở phường Thuận Lộc, TP. Huế; từng làm việc ở Cameroon).
Trở về từ Cameroon gần một tuần, anh Ng. khởi phát cơn sốt, nhức mỏi cơ. Hai ngày sau, người này nhập viện tại Bệnh viện T.Ư Huế. Kết quả xét nghiệm của anh Ng. dương tính với ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum.
CDC tỉnh TT-Huế cũng tiến hành điều tra dịch tễ đối với bệnh nhân Ng., phối hợp lấy máu soi lam, kết quả dương tính với Plasmodium falciparum.
Theo CDC TT-Huế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh TT-Huế có 5 trường hợp mắc sốt rét ngoại lai trở về từ Angola (2 ca), Bờ Biển Ngà (1 ca), Cameroon (1 ca), Lào (1 ca).
Mặc dù từ cuối năm 2022, địa bàn TT-Huế được công nhận thanh toán bệnh sốt rét. Tuy nhiên, thời gian qua, tại TT-Huế vẫn ghi nhận các ca sốt rét ngoại lai từ người dân đi làm ăn xa về thăm nhà.
|
Một bệnh nhân mắc sốt rét ngoại lai được điều trị tại BV T.Ư Huế thời gian qua - Ảnh BVCC |
Các chuyên gia cho biết, hiện nay nước ta đang triển khai chiến lược phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét sau khi đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong thời gian qua. Tuy nhiên, sốt rét ngoại lai và sốt rét ngoại nhập đang tạo nên mối nguy cơ để sốt rét quay trở lại làm cho sốt rét khó loại trừ ra khỏi cộng đồng nếu không có giải pháp giám sát, kiểm soát và xử trí tốt.
Mầm bệnh sốt rét ngoại lai thường xuyên được đưa về bổ sung ở các cơ sở bằng nhiều con đường khác nhau, muỗi truyền bệnh sốt rét có cơ hội và điều kiện phục hồi phát triển hoạt động để truyền bệnh sau khi biện pháp tác động can thiệp diệt muỗi được thu hẹp dần; nguy cơ sốt rét quay trở lại là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra với khả năng lây truyền tại chỗ từ ký sinh trùng sốt rét ngoại lai.
Hơn nữa, những người nước ngoài hoặc Việt kiều ở nước ngoài đến từ các quốc gia có bệnh sốt rét lưu hành rất dễ có nguy cơ mang mầm bệnh xâm nhập vào nội địa để lây truyền tại chỗ qua trung gian của muỗi truyền bệnh có sẵn tại cơ sở, biến sốt rét ngoại nhập thành sốt rét nội địa; trường hợp này khác sốt rét ngoại lai với đặc điểm người trong nước đi ra nước ngoài có bệnh sốt rét lưu hành trong một thời gian hạn định bị lây nhiễm và mang mầm bệnh trở về.
Ngoài ra, nếu muỗi truyền bệnh ở vùng sốt rét lưu hành tại nước ngoài mang ký sinh trùng sốt rét xâm nhập vào máy bay, tàu biển, ôtô... khi phương tiện hạ cánh, cập bến, đỗ xuống sân bay, bến cảng, chỗ đỗ xe... chờ tiếp nhận thêm khách hoặc thực hiện các dịch vụ khác thì muỗi có thể chích đốt máu và truyền bệnh sốt rét cho hành khách.
Trong các trường hợp này, việc phát hiện và chẩn đoán sẽ rất khó khăn vì người bệnh thường bị mắc sốt rét sơ nhiễm với cơn sốt không điển hình. Tỷ lệ tử vong ở những trường hợp sốt rét ngoại nhập cũng rất cao do bệnh cảnh lâm sàng diễn biến nặng và trầm trọng, trong khi đó thực tế thường phát hiện, chẩn đoán chậm hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.
Dễ chẩn đoán nhầm và nguy kịch
Theo PGS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - BV Bạch Mai cho biết, nhiều năm nay Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hầu như không còn bệnh nhân sốt rét. Vì vậy việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét từ nước ngoài trở về ở nhiều cơ sở y tế tuyến dưới còn khó khăn và dễ bị bỏ sót.
Hơn nữa, do các triệu chứng sốt rét không điển hình rầm rộ, dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, COVID-19, sốt xuất huyết hay nhiễm trùng tiết niệu....
PGS.TS Đỗ Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, sốt rét ác tính là một thể sốt rét rất nguy kịch do bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum, dẫn đến rối loạn huyết động, tắc nghẽn vi tuần hoàn, giảm tưới máu và thiếu oxy lên não, gây nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh sốt rét hiện rất ít gặp nên các ca bệnh thường được phát hiện muộn. Biểu hiện sốt rét thường bị nhầm với sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết và một số bệnh nhiễm trùng khác phổ biến hơn. Do đó, người bệnh cần được khai thác kỹ về yếu tố dịch tễ.
TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng khoa Nhiễm Việt-Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cảnh báo, cần chú ý phân biệt triệu chứng của sốt xuất huyết và sốt rét. Sốt xuất huyết do 4 type virus gây ra, bệnh nhân sẽ bị sốt đột ngột, sốt nhiều ngày, uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt lại, người mệt, nhức đầu, đau hốc mắt, buồn nôn, tiêu chảy...
Còn sốt rét là do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, cơn sốt rét điển hình sẽ có các triệu chứng như rét run, sốt nóng và vã mồ hôi. Mỗi ngày người bệnh sẽ lên cơn sốt 1-2 lần tùy thuộc vào loại ký sinh trùng nào gây ra. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi sau mỗi cơn sốt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
Vì vậy, nếu bệnh nhân sống hay di chuyển từ quốc gia có dịch như Lào, Campuchia, Châu Phi, vùng rừng núi, ngập mặn, nơi đang lưu hành sốt rét như Bình Phước, khu vực Tây Nguyên... mà có biểu hiện sốt thì cần nghĩ ngay tới nguy cơ bị nhiễm sốt rét đầu tiên.
Các bác sĩ cần khai thác kỹ yếu tố dịch tễ đối với các ca bệnh nghi nhiễm sốt rét để tránh nhầm lẫn hay bỏ sót bệnh. Phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sốt rét thể thông thường, người bệnh sẽ nhanh chóng bình phục. Không để sốt rét thể thông thường có điều kiện chuyển sang sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong.
Biến chứng nguy hiểm của sốt rét
“Sốt rét biến chứng hay sốt rét ác tính có biểu hiện ác tính nổi bật là xuất hiện rối loạn ý thức (li bì hoặc vật vã, cuồng sảng, nói lảm nhảm), sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều, thể trạng nặng.
Thúy Nga