Sóng gió corona ập vào gia đình

Google News

Virus corona có phải là tác nhân chính gây nên sự xáo trộn gia đình, hay sóng gió vốn đã âm thầm, chỉ chờ ngày nổi bão?

Chồng không đi làm, đổ lỗi cho bệnh dịch
Tôi gặp Trang ngoài đời, thấy chẳng giống chút nào với vẻ tươi tắn trẻ trung trên Facebook của nàng hôm trước tết. Gặng hỏi, mới biết nàng đang chán chồng.
Quang - chồng Trang cũng là bạn học cấp 3 của tôi. Cậu ấy thông minh, hoạt ngôn và cũng thuộc dòng quý tử. Lâu lâu tôi thấy cậu ấy trong quán cà phê, hỏi dăm ba câu thì cậu ấy vẫn tự tin “mình rất ổn”. Chúng tôi vẫn nghĩ rằng Trang và Quang đang có cuộc sống bình yên. Vậy mà giờ nghe Trang kể, tôi mới biết rằng chồng cô thuộc kiểu ngồi núi này trông núi nọ, tự mãn, tự cao.
Gia đình xin việc cho Quang nhiều nơi, nhưng dăm bữa nửa tháng cậu lại kêu chán. Nếu không có viện trợ từ nhà nội chắc Trang đã khó kéo dài hôn nhân với Quang trong suốt 5 năm qua.
Trước tết, Quang hí hửng tuyên bố “ra tết, anh sẽ làm cho một công ty dịch vụ truyền thông. Mẹ con em yên tâm, kiểu gì tháng cũng đưa về 10 triệu đồng”. Dù có chút mơ hồ nhưng Trang và gia đình đều le lói niềm tin vềchồng. Trang không kỳ vọng về tiền lương được nhiều hay ít, điều cô cần là trách nhiệm của chồng với gia đình, là chỗ dựa tinh thần cho vợ con.
Song gio corona ap vao gia dinh
 Chồng lười luôn có lý do để không chịu đi làm Ảnh minh hoạ
Ấy vậy mà mùng 6 tết, công ty gọi đi làm, Quang nghe điện thoại một hai lần rồi tắt máy. Khi vợ hỏi, Quang làu bàu: “Thời buổi dịch bệnh, đi gặp đối tác khách hàng rồi lăn lê trên hội trường hay ngoại cảnh có mà chết sớm”. Trang nghe chồng trả lời mà ngỡ như có tiếng nổ đâu đó. Đến bao giờ chồng cô mới thực sự trưởng thành hay mãi chỉ là người chồng không chịu lớn?
Vợ quyết không nghỉ phép ở nhà trông con
Cậu bạn tên Phong của tôi từ khi lấy vợ là đầu tắt mặt tối. Hay gặp cậu ấy đi chợ, bạn bè vẫn gọi đùa “chuẩn mẫu chồng quốc dân”. Vốn ít nói điềm đạm đã lâu, tôi thật không ngờ nhận được tin nhắn của cậu bạn “ước gì vợ mình được một phần của Lan”. Tôi cười: "Ôi trời, lâu nay tôi đang cố gắng cho được một nửa của vợ cậu đấy…”.
Biết tôi có phần bông đùa, Phong như sôi tiết: “Mình cũng đi làm công chức, nghỉ phép cũng khó khăn, vậy mà con cái nghỉ học hơn 1 tuần nay vì virus corona, cô ấy phó thác hết cho mình, còn nói là “công ty anh dễ nghỉ” nên tranh thủ”.
Thì ra, vợ Phong đang thuộc diện nhân viên ưu tú, được cơ cấu làm lãnh đạo của một công ty lớn. Vốn nổi tiếng thương vợ chiều con, nhưng đến nước này, Phong quá mệt vì sáng, trưa, chiều đi tới đi lui con đường gần chục km tới công sở. Ngày nào anh cũng bê trễ công việc, cũng bị nhắc nhở vì đi trễ về sớm, cứ trưa là biến mất không ai tìm ra. Tìm không ra người trông, để chúng ở nhà lăn lóc ăn mì gói buổi trưa thì anh không dành. Ai đưa giải pháp nào anh cũng gạt đi vì “thương 2 đứa con ở nhà”. Đàn ông nặng gia đình cũng có nỗi khổ riêng.
Khốn khổ vì là giáo viên
Là giáo viên nên Mai được nghỉ dạy theo dịch bệnh corona. Dù vẫn thỉnh thoảng đi trường nhưng trong mắt của mọi thành viên trong gia đình “mợ Mai sướng nhất”. Mẹ chồng cô hí hửng đi khoe với xóm làng “ai thất nghiệp vì virus đâu chẳng biết, con dâu tôi chẳng lo chết đói”. Ấy là bà thấy một số phụ huynh gần nhà chở con tới gửi. Không nhận không được vì quen biết, vừa thấy lí do “nhờ cô giúp cho, sợ các cháu quên bài” nên cô đành giới hạn “em chỉ nhận các cháu trong lớp ở quanh đây”.
Thế nhưng tin tốt loan xa, phụ huynh nơi khác kéo tới. Năm, mười, mười lăm học sinh rồi cháu chắt bên chồng “trăm sự nhờ mợ”. Tâm lý cả nể khiến Mai khó thoái thác.
Không khỏe và thu nhập cao như mẹ chồng cô nghĩ. Dạy học sinh còn có giờ học giờ về, còn trông 6 đứa cháu bên chồng thì thời gian vô hạn, chưa kể mỗi đứa mỗi khối. Mẹ chồng cô là người chủ động “các anh chị bận rộn, con chịu khó dạy các cháu cả ngày, không học tụi nó lại chúi mũi vào máy tính”. Trong nhà vốn có 7 miệng ăn: vợ chồng cô cùng 2 nhóc kén ăn, cha mẹ chồng già cùng người em chồng bại liệt.
Hàng ngày cô đã xoay như thoi, vậy mà giờ đây, trách nhiệm gia sư kiêm bảo mẫu khiến cô gần như kiệt sức. Dạy cháu chắt chẳng lẽ lấy tiền, đến bữa chẳng lẽ không cho chúng nó ăn, chưa kể tắm rửa cho chúng khi anh chị chồng tối mịt chưa thấy đón. Mai đang ráng sức với hư danh “dâu hiền vợ đảm”, đến nỗi giấc ngủ cô còn bị chập chờn bởi tiếng mở cửa tủ lạnh ầm ầm của bọn nhỏ mà không dám than vãn nửa lời.
Tôi muốn gặp Phong ở một quán cà phê để thư thái cùng nhóm bạn. Tôi muốn nhìn Trang ở trạng thái vô ưu. Nhưng thật khó khi họ đang chạy đua với dịch bệnh.
Giá mà chồng Trang sống có trách nhiệm hơn thì vợ đã không tiều tụy. Giá mà vợ Phong cân đối “giỏi việc nước, đảm việc nhà” thì cả vợ và chồng có thể cùng nhau phát triển sự nghiệp. Hạnh phúc gia đình đâu cứ nhất thiết địa vị thật cao, lương thật khủng mà được góp nhặt từ những điều nhỏ nhặt, chia sẻ cùng nhau nhìn về một hướng để phấn đấu, cố gắng hoàn thiện bản thân.
Nhưng giá như các bạn tôi không nể nang như thế mãi, tình thế biết đâu đã có thể được cải thiện chứ không phải đợi đến lúc này, họ đang bơi lội ngụp lặn trong mớ bòng bong của việc nhà, con cái, cháu chắt hay nặng nề về tâm lý. Để giờ đây, lý do họ đưa ra cũng không thể thuyết phục hơn “thôi thì đang có virus”.
Dịch virus corona có vẻ đang quét qua từng căn nhà, nó có phải là tác nhân chính gây nên những xáo trộn trong gia đình, hay sóng gió vốn đã tự thân? Chỉ là nó đến đúng thời điểm để chúng ta đổ lỗi cho ngoại cảnh. Biết vậy nhưng cũng chẳng thể giúp gì, thôi thì ráng lên các bạn tôi ơi, chí ít cũng đi qua mùa virus corona rồi tính tiếp.
Theo Lâm Hoàng/Phunuonline