Nhiều người nhập viện sau khi bị kiến đốt
Gần đây nhất, một bệnh nhân nam 49 tuổi ở Quảng Ninh bị sốc phản vệ và phải nhập viện cấp cứu sau khi bị kiến cắn vào trán trong lúc làm việc.
VTV đưa tin, trưa 6/9, nhân viên Trạm Y tế xã An Sinh - Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) trực tiếp cấp cứu tại nhà cho bệnh nhân T.D.P. (49 tuổi) bị sốc nghi do phản vệ và vận chuyển thành công bệnh nhân đến Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều kịp thời.
Trước đó, khi đang đi làm ở lán gỗ, bệnh nhân bị kiến cắn vào vùng trán, sau đó bệnh nhân xuất hiện nóng rát toàn thân, kèm mệt mỏi, bệnh nhân vào nằm trong lán và không biết gì nữa.
|
Bệnh nhân được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: VTV. |
Bệnh nhân P. được người nhà và hàng xóm phát hiện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng rất yếu, mọi người nhanh chóng gọi nhân viên y tế của Trạm Y tế xã An Sinh vào tận nơi cấp cứu và xử trí. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhiên, Trưởng trạm Y tế xã An Sinh, chỉ định điều dưỡng Bùi Thị Nguyệt cho thở oxy và tiêm bắp 1 ống Adrenalin, sau đó gọi xe và đi cùng, đưa bệnh nhân vào trung tâm y tế.
Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp 50/30 mmHg, da và đầu chi lạnh.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc phản vệ độ 3 và xử trí tiêm và truyền Adrenaline, bồi phụ dịch, kiểm soát hô hấp, tiêm corticoid và kháng histamine. Sau điều trị tích cực, đến đêm ngày 6/9, bệnh nhân tỉnh hơn, mạch huyết áp ổn định. Sáng ngày 7/9, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.
Trước đó, vào tháng 7/2023, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu cho một trường hợp hy hữu sốc phản vệ sau khi bị kiến đốt.
Theo thông tin trên báo Vietnamnet, bệnh nhân là chị N.T.T. (39 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ). Cách nhập viện 4 ngày, chị T. bị kiến đốt vào vùng vai trái gây ngứa khắp cơ thể.
Sau khi điều trị tại một số cơ sở, tình trạng bệnh không thuyên giảm, người bệnh đã nhập viện tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ và được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 do kiến đốt.
Người bệnh có tiền sử bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin và bệnh lý tăng huyết áp. Sau 12 giờ dùng thuốc điều trị theo phác đồ chống sốc của Bộ Y tế, các triệu chứng của người bệnh thuyên giảm và sức khỏe dần ổn định.
Trước đó, vào năm 2022, một bé gái 3 tuổi ở Đồng Nai suýt không qua khỏi chỉ vì kiến đốt. Theo Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã phải đặt nội khí quản, lọc máu 2 chu kỳ kết hợp điều trị bằng nhiều loại thuốc để giúp trẻ thoát khỏi nguy kịch. Sau 12 ngày điều trị đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bé gái 3 tuổi này hồi phục hoàn toàn.
|
Ảnh minh họa. |
Xử lý thế nào khi bị sốc phản vệ?
Sốc phản vệ là tình trạng dị ứng nặng xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên từ vài phút đến vài giờ. Các trường hợp sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo bác sĩ, sốc phản vệ được chia thành 4 mức độ. Ở mức độ 1, người bệnh sẽ nổi mề đay, phù môi, mặt, mắt. Khi ở mức độ 2 sẽ thêm triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, đau bụng, tiêu chảy. Tại mức độ 3, người bệnh tụt huyết áp, trụy mạch. Ở mức độ 4, người bệnh ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn và tử vong.
Mức độ nặng, nhẹ của sốc phản vệ phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể và phụ thuộc vào thời gian xử lý điều trị.
Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, khi xuất hiện những triệu chứng sốc phản vệ sau, người bệnh cần được cấp cứu ngay:
- Khó thở
- Đau, tức ngực
- Huyết áp thấp
- Mạch yếu và nhanh
- Chóng mặt
- Người bệnh lú lẫn, lơ mơ…
Nguyên tắc khi cấp cứu sốc phản vệ là phải khẩn trương, thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay tại chỗ cho đến khi đảm bảo được đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng adrenalin, truyền dịch... rồi mới được chuyển đi nơi khác.
Trong thời gian chờ đợi y bác sĩ cấp cứu, nên thực hiện những việc sau:
Lập tức dừng tất cả các yếu tố dị nguyên gây nguy cơ.
Đặt bệnh nhân nằm thoải mái tại chỗ ở tư thế chân cao đầu thấp, hạn chế người tụ tập quanh bệnh nhân, tạo môi trường thoáng khí cho bệnh nhân.
Nói chuyện liên tục với bệnh nhân để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh rơi vào trạng thái hôn mê. Nếu bệnh nhân ngưng thở hãy bắt đầu hồi sức tim phổi cho bệnh nhân.
Nếu có chút hiểu biết về thuốc, hãy chuẩn bị Adrenalin - thuốc thường được sử dụng trong chống sốc phản vệ. Tiêm bắp cho nạn nhân với liều lượng phù hợp.
Phải khẩn trương thực hiện các thao tác trên đến khi đảm bảo nạn nhân thở được, ổn định hô hấp, tuần hoàn rồi mới chuyển bệnh nhân đi nơi khác.
Bác sĩ khuyến cáo, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên (như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Phản vệ có thể phục hồi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm
P.V (Tổng hợp)