Tôi người miền Trung, lấy vợ Hà Nội. Nhà vợ tôi ở ngoại thành, cách trung tâm thành phố hơn 20 km.
Ban đầu khi yêu vợ, tôi hoàn toàn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ở rể. Thế nhưng đến khi hai đứa quyết định đến với nhau, vợ tôi mới nói mẹ cô ấy chỉ đồng ý cưới khi tôi chấp nhận sống cùng nhà vợ, ít nhất là một năm. Bởi nhà vợ tôi chỉ có hai cô con gái. Chị gái vợ đi du học, rồi lấy chồng, định cư luôn ở nước ngoài. Thế nên, mẹ cô ấy muốn giữ cô con gái út bên cạnh.
Khi biết hoàn cảnh nhà vợ như vậy, tôi cũng rất khó nghĩ. Nhưng khi về thăm cơ ngơi nhà cô ấy, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp. Nhà vợ tôi rất rộng, lại có một xưởng sản xuất nội thất, thuộc diện khá giả trong vùng.
Thời điểm ấy, có lẽ tôi cũng bị vật chất chi phối nên gật đầu đồng ý về sống cùng nhà vợ, bất chấp phải đi làm xa mấy chục cây số. Và tôi sống cùng nhà vợ đến nay cũng đã được hơn 3 năm rồi.
Thời gian đầu khi sống chung cùng bố mẹ vợ, tôi cũng khép nép, giữ ý, không dám làm gì phật lòng ông bà. Êm xuôi được vài tháng thì cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Tôi người miền Trung, khẩu vị hơi khác ngoài Bắc nhưng từ ngày về ở rể, tôi đương nhiên phải ăn theo khẩu vị của mọi người trong nhà. Ăn uống không ngon miệng khiến tôi đôi khi cũng bực dọc trong người.
Nhiều lúc rủ vợ bỏ bữa, ra ngoài cho đổi gió thì bị bố mẹ vợ phàn nàn. Rồi có hôm công ty liên hoan, tôi nhậu say ngủ lại trên thành phố thì bị mẹ vợ gọi điện trách mắng, nói tôi vô trách nhiệm, khiến vợ phải lo lắng. Từ đó, tôi cũng bị hạn chế giao lưu bạn bè.
Ngoài chuyện ăn uống, tôi còn không thoải mái khi mẹ vợ quá kỹ tính. Hễ tôi bừa bộn một chút là y như rằng lại bị bà phàn nàn. Chưa kể, mẹ vợ tôi còn có thói quen xem lại camera khiến tôi vô cùng áp lực. Sống trong nhà mà lúc nào tôi cũng có cảm giác có hàng trăm con mắt đang quan sát, rình mình mắc lỗi để giáo huấn.
Đó chưa phải là tất cả. Từ khi vợ tôi sinh con, mẹ vợ càng can thiệp hơn vào cuộc sống riêng của vợ chồng tôi. Bà ra vào phòng tôi mà không cần gõ cửa. Nhiều lúc dù đã chốt cửa nhưng vẫn bị mẹ vợ vô tư dùng khóa dự phòng để vào.
Khó chịu hơn nữa là mẹ vợ thường xuyên bóng gió nói tôi không được làm điều gì có lỗi với con gái bà trong lúc cô ấy đang ở cữ. Dĩ nhiên, tôi biết bà muốn nói đến chuyện sợ tôi ngoại tình hay đi "bóc bánh trả tiền" giải quyết nhu cầu sinh lý bên ngoài. Bị mẹ vợ gây sức ép khiến tôi thấy rất mệt mỏi khi suốt ngày phải gồng mình lên để làm một chàng rể ngoan ngoãn trong mắt bố mẹ vợ.
Vừa rồi con gái tôi tròn hai tuổi, tôi đã bàn với vợ chuyện ra ở riêng, lên thành phố thuê một căn chung cư nhỏ để sống. Thế nhưng cô ấy có vẻ không đồng ý.
Vợ tôi nói hiện giờ thu nhập của hai vợ chồng không cao, chỉ hơn 20 triệu/tháng. Trong khi nếu lên thành phố sẽ rất tốn kém. Nào là tiền thuê nhà, tiền ăn rồi tiền học cho con. Cô ấy sợ sẽ không kham nổi khiến vợ chồng lục đục rồi con cái lại khổ.
Vợ tôi còn nói cô ấy thấy cuộc sống hiện tại rất ổn. Cơm nước, con cái đều có ông bà lo cho. Mấy năm qua, nhờ không mất tiền nhà, tiền ăn chỉ góp ít nên hai vợ chồng cũng có một khoản tiết kiệm nho nhỏ. Nhưng để mua nhà hoặc ra sống riêng thì cô ấy khuyên tôi cần thêm vài năm nữa.
Thú thực, tôi không muốn chịu đựng cảnh ở rể thêm nữa. Tôi gắt với vợ nói cô ấy tiểu thư, sợ khó, sợ khổ. Lấy chồng nhưng không dám chịu khổ cùng chồng. Vậy là hai vợ chồng tôi to tiếng với nhau và đến tai bố mẹ vợ.
Khi biết con rể có ý định ra ở riêng, mẹ vợ tôi tỏ ra rất khó chịu. Bà nói tôi ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mà không nghĩ vợ con sẽ khổ như thế nào nếu rời xa vòng tay của ông bà.
Mẹ vợ còn nói tôi đang sướng mà không biết đường hưởng, lại cứ thích tự đưa mình vào chỗ khổ. Thậm chí bà còn nói không yên tâm khi giao con gái và cháu ngoại cho tôi vì sợ tôi sẽ làm tổn thương hai mẹ con.
Trước khi đi ra khỏi phòng, mẹ vợ còn ném cho tôi câu nói sắc lạnh: "Khi nào lương 50-60 triệu/tháng thì hẵng ra ở riêng. Còn cứ lẹt đẹt 10 triệu như bây giờ thì nên dẹp ý định đó đi, đừng làm khổ mẹ con nó thêm nữa".
Câu nói của mẹ vợ khiến tôi sốc nặng. Hóa ra bao năm qua, trong mắt bà, tôi vẫn là một kẻ ăn bám, vô hại và làm khổ vợ con.
Giờ tôi đang vô cùng ức chế. Tôi có nên quyết tâm ra ở riêng hay tiếp tục chịu đựng cuộc sống tù túng, bị khinh rẻ này thêm nữa?
Theo Tùng / Gia đình & Xã hội)