Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.367.433 ca mắc COVID-19, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.869 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.362.111 ca, trong đó có 1.048.162 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (483.376), Bình Dương (286.078), Đồng Nai (91.056), Long An (39.039), Tây Ninh (35.980).
Điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân COVID-19 nặng
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.050.979 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.697 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.272 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.302 ca; Thở máy không xâm lấn: 285 ca; Thở máy xâm lấn: 823 ca; ECMO: 15 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 218 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.186 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 27.447.909 mẫu cho 70.692.311 lượt người.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 129.965.296 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 74.039.917 liều, tiêm mũi 2 là 55.925.379 liều
Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải đáp ứng tiêu chí gì?
Tại cuộc họp bàn về kế hoạch phôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ 15/12/2021 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề xuất hai giai đoạn thí điểm khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam.
Theo đó, giai đoạn 1 (hai tuần từ thời điểm áp dụng, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12/2021), tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).
Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về hai cảng Hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất với tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam là khoảng 14.000 người/tuần. Giai đoạn 2 (thực hiện trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1) dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022.
Ngoài 9 thị trường nói trên, Bộ đề xuất mở thêm các đường bay đi/đến: Kuala Lumpur (Malaysia), Hongkong (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sydney (Australia), Moskva (Nga). Ở giai đoạn này, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng Hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận gồm: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn; tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên, dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần.
Trong thời gian thực hiện giai đoạn 2 thí điểm khôi phục các đường bay quốc tế, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức tổng kết đánh giá để tham mưu việc khôi phục hoạt động khai thác quốc tế thường lệ như trước đây.
Đại diện các bộ, ngành cho rằng, việc mở lại đường bay thương mại quốc tế cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, căn cơ, bài bản để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán với các nước trên nguyên tắc có đi có lại, đồng thời bảo đảm thực hiện thống nhất, thông suốt trong cả nước.
Qua các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, việc khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế là yêu cầu của thực tiễn trong tình hình bình thường mới, đặc biệt trước nhu cầu đi lại tăng cao trong thời điểm cuối năm.
"Đây mới là giai đoạn thí điểm, do đó lựa chọn một số nước có hệ số an toàn cao, thực hiện trên cơ sở có đi có lại. Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay phải đáp ứng quy định về phòng, chống dịch bệnh; tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, có xét nghiệm PCR âm tính trong thời gian 72 giờ trước khi lên máy bay"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) - cho biết từ ngày 10/12, TP HCM bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19. Đây sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại.
Ông Tâm lý giải liều tiêm nhắc được áp dụng cho người đã tiêm đủ 2 mũi, thời gian tiêm là sau 6 tháng tính từ mũi tiêm cuối cùng. Mũi bổ sung áp dụng cho đối tượng suy giảm miễn dịch, đặc biệt là người trên 50 tuổi, có bệnh nền, nhóm đối tượng dễ tổn thương. Thời gian tiêm mũi này sau 28 ngày, sau mũi tiêm cuối cùng.
Các cơ sở y tế sẽ lên danh sách các đối tượng thuộc diện được tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại; phối hợp với chính quyền địa phương và công an để xác minh thông tin đối tượng.
Theo đó, đơn vị tổ chức tiêm chủng sẽ hướng dẫn người dân phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin và lịch sử tiêm ngừa COVID-19. Sau đó chính quyền địa phương, công an phường, xã sẽ xác minh thông tin tiêm chủng đối với danh sách những người đã đăng ký tiêm.
Hôm nay, TP HCM tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19
Sau khi hoàn thành việc xác minh thông tin, địa phương sẽ chuyển danh sách đến đơn vị tổ chức tiêm chủng và đơn vị này sẽ đối chiếu danh sách đã được xác minh. Việc tiêm liều bổ sung hay liều nhắc lại sẽ căn cứ từ những thông tin đã được xác minh này.
Song song với đó, các đơn vị tổ chức tiêm chủng cũng sẽ lưu lại các cơ sở dữ liệu tiêm chủng, danh sách người tiêm vaccine để sử dụng trong trường hợp đối chiếu khi cần.
Bình Phước: Nâng cấp độ dịch COVID-19 ở 20 xã lên mức cao nhất- màu đỏ
Ngày 9/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước cho biết, số ca mắc COVID-19 tại Bình Phước tăng cao, nhất là trong tuần này, bình quân mỗi ngày trên 650 ca. Các ca mắc tập trung ở các huyện Chơn Thành, Phú Riềng, Đồng Phú, TP Đồng Xoài và hầu như được phát hiện qua xét nghiệm nghiệm sàng lọc trong cộng đồng.
Bình Phước hiện đang có nguy cơ dịch ở cấp độ 2, trong đó có 9 huyện có nguy cơ dịch ở cấp độ 3. Trước tình hình phức tạp, Bình Phước đã nâng cấp độ dịch COVID-19 ở 20 xã lên cấp 4- màu đỏ là cấp độ cao nhất, trong đó có nhiều xã vùng sâu, vùng xa.
Cùng ngày, Sở Y tế Bình Phước cũng ban hành kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 trong giai đoạn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", nhằm phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp F0 phù hợp với điều kiện.
Theo đó, đối với nhóm đối tượng nguy cơ, đảm bảo 100% các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt tại cộng đồng được xét nghiệm bằng xét nghiệm RT-PCR, hoặc test nhanh kháng nguyên (xét nghiệm ngay khi có triệu chứng).
Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà (người cách ly cùng) với F0 được cách ly, điều trị tại nhà phải lấy mẫu lần đầu ngay khi F0 được xác định, lấy mẫu lần 2 vào ngày 14 cùng với F0. Trong thời gian cách ly, nếu có một trong các triệu chứng: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở thì tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngay...
Theo Thái Bình/SK&ĐS