Mới đây, không ít người rơi nước mắt trước câu chuyện một sản phụ ở Hà Nam biết mình mắc ung thư giai đoạn cuối vẫn quyết sinh con bất chấp tính mạng. Sản phụ này là chị Nguyễn Thị Liên, 28 tuổi ở Lý Nhân, Hà Nam phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn cuối khi mang thai được 4 tháng.
Sau khi nghe bác sĩ sản cùng bác sĩ chuyên khoa ung bướu tư vấn giữ thai cả mẹ và con sẽ gặp nguy hiểm, song vợ chồng chị Liên vẫn quyết định không bỏ thai, với hy vọng có thể cầm cự đến khi thai nhi đủ lớn để con có thể chào đời.
|
Sản phụ Nguyễn Thị Liên phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn cuối khi đang mang thai nhưng vẫn bất chấp tính mạng để sinh con. |
Ngày 22/5 vừa qua, bác sĩ đã phẫu thuật bắt con cho sản phụ Liên. May mắn, ca phẫu thuật đã thành công và bé trai chào đời nặng 1,5kg, đặt tên là Bình An.
Trước hình ảnh người mẹ tiều tuỵ ngồi mổ đẻ lấy đứa con ra, bác sĩ Khánh đã không cầm được được mắt. Theo anh, ung thư vú là kẻ “giết người” đứng số 1 ở nữ giới trong nhóm bệnh lý ung thư. Dù việc dự phòng và phát hiện sớm ung thư vú vô cùng đơn giản nhưng chị em phụ nữ lại thường khá lơ là và ít quan tâm đến “kẻ giết người thầm lặng” này.
Do vậy, bác sĩ Khánh đã đưa ra một bài viết về những nguy cơ mắc ung thư vú và khuyến cáo chị em cách tầm soát căn bệnh. Sau đây là chia sẻ của nam bác sĩ BV Việt Đức:
1. Uống rượu:
Càng uống nhiều rượu, nguy cơ mắc ung thư vú càng cao. Khuyến cáo chung: Tốt nhất là phụ nữ không nên uống rượu, dù chỉ là lượng nhỏ 1 ly mỗi ngày.
2. Hút thuốc lá:
Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa hút thuốc và nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là ở phụ nữ tiền mãn kinh.
3. Tăng cân-béo phì:
Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú. Điều này đặc biệt đúng nếu béo phì xảy ra sau tuổi thanh niên, đặc biệt là sau khi mãn kinh.
4. Ăn uống thiếu khoa học:
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, cũng như bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ. Ví dụ, phụ nữ ăn chế độ ăn Địa Trung Hải có bổ sung dầu ô liu và các loại hạt hỗn hợp có thể giảm nguy cơ ung thư vú. Chế độ ăn Địa Trung Hải tập trung chủ yếu vào các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, như trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt và ăn cá thay vì thịt đỏ.
5. Lười vận động thể chất và stress kéo dài:
Hoạt động thể chất có thể giúp chúng ta duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm stress, giúp ngăn ngừa ung thư vú. Hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh nên vận động ít nhất 150 phút mỗi tuần cường độ nhẹ đến vừa như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga, bơi, múa... cộng với tập luyện sức mạnh ít nhất hai lần một tuần. Cân bằng trong cuộc sống cũng vô cùng quan trọng.
6. Không cho con bú hoặc cai sữa quá sớm:
Cho con bú đóng một vai trò trong phòng ngừa ung thư vú. Các chị cho con bú càng lâu, tác dụng bảo vệ và dự phòng ung thư vú càng lớn.
7. Sử dụng hóc-môn nội tiết:
Liệu pháp hormone kết hợp sử dụng trên 3- 5 năm làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nếu các chị đang dùng liệu pháp hormone cho các triệu chứng mãn kinh, hãy hỏi bác sĩ về các lựa chọn khác vì các chị có thể kiểm soát các triệu chứng của mình bằng các liệu pháp và thuốc điều trị không có nội tiết tố. Nếu các chị quyết định lựa chọn vì lợi ích của liệu pháp hormon ngắn hạn lớn hơn các rủi ro, hãy sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả và tiếp tục nhờ bác sĩ theo dõi thời gian bạn sử dụng hormone.
8. Tiếp xúc với bức xạ và ô nhiễm môi trường
Những thăm dò hình ảnh như như chụp cắt lớp vi tính, chụp xquang, chụp PET-CT hoặc những thăm dò sử dụng liều cao phóng xạ luôn làm tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt ở trẻ em gái. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy có mối liên hệ giữa ung thư vú với phơi nhiễm tích lũy bức xạ trong suốt cuộc đời. Chúng ta chỉ thực hiện những thăm dò này khi thực sự cần thiết hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
9. Tự khám & đi khám sức khoẻ, kiểm tra vú định kỳ:
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Bất cứ khối u nào cũng luôn cần thời gian hình thành và phát triển. Hơn nữa trong ung thư, việc phát hiện sớm giúp tiên lượng khả quan hơn rất nhiều. Nếu các chị nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở ngực, chẳng hạn như một khối u mới hoặc thay đổi trên da, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
10. Chủ động đi sàng lọc bằng công nghệ gen khi thấy mình có nguy cơ:
Khoảng 5 - 10 % người bệnh bị ung thư vú là do đột biến gen. Đột biến ở hai gen chính BRCA1 & BRCA2 là nguyên nhân thường gặp của ung thư vú và ung thư buồng trứng. Những đột biến này làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng cũng như các bệnh ung thư khác.
Người ta ước tính nguy cơ suốt đời (đến 70 tuổi) của ung thư vú là từ 55% đến 70% đối với BRCA1 và 45% đến 70% đối với BRCA2. Điều này có nghĩa là trong một nhóm gồm 100 phụ nữ có đột biến gen BRCA1, từ 55 đến 70 phụ nữ sẽ bị ung thư vú trong cuộc đời của họ. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng là khoảng 40% đến 45% đối với BRCA1 và 15% đến 20% đối với BRCA2.
Vậy nên nếu các chị thấy mình có nguy cơ (như Bs liệt kê ở trên hoặc trong gia đình họ hàng huyết thống có người bị ung thư vú, ung thư buồng trưng, ung thư tuyến tuỵ) hoặc thậm chí nếu các chị có điều kiện, bác sĩ khuyên nên đến những trung tâm gen-di truyền để được tư vấn chi tiết. Ở khu vực Hà Nội, chị em có thể tham khảo tại các địa chỉ như trung tâm gen-di truyền trường đại học Y khoa Hà Nội, trung tâm gen-di truyền đại học Quốc Gia, BV quốc tế Vinmec...
Bài viết đầy hữu ích của bác sĩ Khánh nhanh chóng được lan truyền trên mạng và được nhiều chị em gửi tới lời cảm ơn sâu sắc.
Thảo Nguyên