Ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn từ thức ăn được bảo quản, chuẩn bị, xử lý hoặc nấu không đúng cách gây ra. Các loại vi khuẩn phổ biến gây ngộ độc thực phẩm thường là Salmonella, Campylobacter, Closridium (C. Perfringens, C. Botulium), Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Vibrio, Listeria monocytogenes...
Người bị ngộ độc thực phẩm thường có các biểu hiện: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, mất nước...; nặng hơn có thể là rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, khó thở... và nguy hiểm tính mạng.
Sai lầm thường gặp trong chế biến thực phẩm làm tăng nguy cơ ngộ độc. Ảnh minh họa
Dưới đây là một số sai lầm khi chế biến thực phẩm làm tăng nguy cơ ngộ độc:
Sử dụng một dụng cụ chế biến nhiều món ăn
Nhiều người mắc phải sai lầm khi sử dụng cùng một dụng cụ như dao, thớt, rổ khi xử lý thịt sống, hải sản sống... chung với các thức ăn đã được nấu chín. Với thói quen này, vi khuẩn gây bệnh từ thịt sống và hải sản có thể lây nhiễm chéo vi khuẩn sang các loại thực phẩm đã được nấu chín, dẫn đến ngộ độc.
Nên sử dụng thớt, đĩa... riêng cho thịt, gia cầm, hải sản và trứng. Dùng nước xà phòng nóng để rửa kĩ đĩa, thớt... đã chạm vào thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng.
Không rửa tay khi chế biến thực phẩm
Quên không rửa tay trước, trong và sau khi khi nấu ăn thì bàn tay có thể làm lây lan vi khuẩn quanh bếp với các loại thực phẩm.
Mọi người nên rửa tay bằng xà phòng và chà tay, mu bàn tay, các đầu ngón tay trong thời gian ít nhất 20 giây, sau đó, rửa tay dưới vòi nước sạch và lau khô bằng khăn sạch hoặc hong khô tay. Điều này nhằm phòng ngừa sự lây lan của vi khuẩn và đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cho những người xung quanh.
Không nấu kỹ thịt, gà, hải sản hoặc trứng dễ gây ngộ độc
Thực phẩm nấu chưa chín có thể chứa vi trùng, vi khuẩn như Salmonella, E.Coli khiến bạn bị bệnh. Do vậy, luôn nấu kỹ thịt và trứng để đảm bảo thức ăn đã chín. Nếu có điều kiện hãy sử dụng nhiệt kế thực phẩm để đảm bảo nhiệt độ bên trong của thức ăn bạn nấu là an toàn. Nếu không, hãy chú ý đến thời gian chế biến và nhiệt độ bếp.
Để thức ăn ra ngoài quá lâu trước khi cho vào tủ lạnh
Vi trùng, vi khuẩn có hại có thể phát triển trong thực phẩm dễ hỏng (bao gồm thịt, thịt gà, gà tây, hải sản, trứng, trái cây cắt sẵn, cơm nấu chín và thức ăn thừa) nếu để chúng ra khỏi tủ lạnh từ 2 tiếng trở đi.
Để an toàn cho sức khỏe, nên cho thực phẩm dễ hỏng vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ hoặc sớm hơn trong vòng 1 giờ nếu thực phẩm đó được tiếp xúc với nhiệt độ trên 32 độ C (như trong ô tô nóng, nhiệt độ phòng nóng). Có thể chia các phần thức ăn lớn vào các hộp đựng nhỏ hơn để chúng nhanh chóng nguội đi và cất luôn vào tủ lạnh.
Gọt trái cây và rau củ mà không rửa trước
Trái cây và rau quả có thể có vi trùng, vi khuẩn trên lớp vỏ hoặc lớp vỏ của chúng. Thật dễ dàng để những vi khuẩn đó xâm nhập vào bên trong trái cây và rau quả khi bạn cắt hoặc gọt vỏ chúng.
Vì vậy hãy rửa sạch tất cả trái cây và rau quả dưới vòi nước chảy ngay cả khi định gọt vỏ. Sử dụng bàn chải rau sạch để chà các loại trái cây và rau cứng như dưa, bơ và dưa chuột. Không nên rửa trái cây và rau củ bằng xà phòng, chất tẩy rửa hoặc nước rửa sản phẩm thương mại. Không sử dụng dung dịch thuốc tẩy hoặc các sản phẩm khử trùng khác trên trái cây, rau củ.
Chế biến, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ không thích hợp
Các mầm bệnh bắt đầu phát triển trong các thực phẩm không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp hoặc nhiệt độ chế biến không nằm trong ngưỡng yêu cầu. Ngưỡng nhiệt tối thiểu để làm chín thịt bò là 60 độ C, thịt gia cầm khoảng 73 độ C, trứng ở mức 70 độ C, cá hoặc động vật có vỏ là 60 độ C.
Nên nấu chín cả bên trong các món ăn, hạn chế các loại thịt, hải sản tái (chín bên ngoài) vì các vi khuẩn có hại có thể chưa được tiêu diệt. Những thực phẩm đã chế biến bảo quản trong tủ lạnh nên được hâm lại ở mức nhiệt trên 60 độ C trước khi sử dụng.
Không tách thực phẩm sống và chín
Khi đi mua thực phẩm cũng như khi bảo quản trong tủ lạnh, mọi người nên tách các thực phẩm như thịt sống, thịt gia cầm, hải sản ra những túi riêng.
Các thực phẩm sống có thể chứa vi khuẩn (như salmonella) làm tăng nguy cơ ngộ độc, có thể lây truyền qua thực phẩm chín. Đặt thịt, cá vào túi nhựa và cho xuống dưới cùng, tránh để nước của các thực phẩm sống rơi vào rau, củ quả.
Đặt thịt chín trở lại đĩa đựng thịt sống
Vi khuẩn từ thịt sống có thể lây lan sang thịt nấu chín vì vậy luôn sử dụng thớt riêng, đĩa riêng cho thịt sống và thịt chín. Quy tắc tương tự cũng áp dụng cho hải sản.
Sử dụng lại rổ đã đựng thịt sống
Tái sử dụng rổ hoặc giỏ đã đựng thịt sống khiến vi khuẩn lây lan nhanh. Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm bạn nên thường xuyên rửa giỏ dưới nước nóng.
Cách tốt nhất là nên cho thịt vào từng bọc riêng, gói trong túi đựng thực phẩm rồi mới cho vào giỏ.ử dụng một loại đũa, kẹp gắp cho cả thịt sống và thịt đã nấu chín
Giang Thu