Các chuyên gia dinh dưỡng đều thống nhất rằng bữa sáng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, kể cả thể chất lẫn tinh thần. Một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng giúp chúng ta bổ sung năng lượng để khởi đầu cho một ngày làm việc.
Nhịn ăn sáng là một chủ đề gây tranh cãi với cả lợi ích lẫn tác hại, tùy thuộc vào cách thực hiện và cơ địa của mỗi người.
Xu hướng "ăn sáng giờ trưa"
Hiện nay, xu hướng "ăn sáng giờ trưa" đang trở nên rất phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ và những người làm việc văn phòng.
Theo đó, người ta bỏ bữa sáng truyền thống và chỉ bắt đầu ăn vào giờ trưa. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian vào buổi sáng mà còn được cho là có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp giảm cân, cải thiện trao đổi chất và tăng cường sự tập trung.
Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, việc bỏ bữa sáng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe đối với một số người.
|
Ăn sáng giúp nạp lại năng lượng sau giấc ngủ dài, khởi đầu tốt hơn cho một ngày mới. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Đầu tiên, không ăn sáng ảnh hưởng đến năng lượng, tinh thần. Bữa sáng cung cấp năng lượng học tập và làm việc cho cơ thể sau một khoảng thời gian dài qua đêm.
Việc ăn sáng trễ có thể khiến cơ thể không phục hồi dự trữ glycogen sau một đêm, gây ra tình trạng hạ đường huyết. Cùng với đó, không ăn sáng cũng có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn và không tập trung trong công việc hoặc học tập. Hiệu suất làm việc vì thế cũng giảm sút đáng kể.
Thứ hai, bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ ăn quá nhiều vào các bữa khác, điều này cũng khiến bạn dễ tăng cân hơn.
Thứ ba, bỏ bữa sáng cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp và tiểu đường type 2. Bên cạnh đó, bỏ bữa sáng rồi ăn một lượng lớn thức ăn vào buổi trưa có thể khiến một số người gặp vấn đề về tiêu hóa như trào ngược dạ dày hoặc đau bụng, viêm loét dạ dày...
Nhịn ăn sáng không chỉ khiến cơ thể bị bỏ đói, căng thẳng mà còn làm kích thích hệ tiêu hóa, khiến thói quen đi vệ sinh hàng ngày thay đổi gây chứng tiêu chảy, buồn nôn hoặc bị táo bón.
Thứ tư, không ăn sáng có thể gây thiếu hụt chất dinh dưỡng và vitamin. Bác sĩ Vũ dẫn chứng một nghiên cứu năm 2014 vè tác động của bữa sáng đối với trẻ em và thanh thiếu niên Canada. Kết quả cho thấy những người không ăn sáng sẽ thiếu vitamin D, vitamin A, canxi, sắt, magie, phốt pho, kẽm...
Thiếu vitamin và khoáng chất có thể dẫn đến mất ngủ, trầm cảm và tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng, âu dài khiến sức khỏe giảm sút, dễ mắc bệnh hơn.
Do đó, bác sĩ Vũ cho rằng để đảm bảo sức khỏe, mỗi người cần lắng nghe cơ thể mình và tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng trước khi quyết định áp dụng phương pháp "ăn sáng giờ trưa".
Nguyên tắc giảm cân
Việc chỉ ăn 2 bữa mỗi ngày và giờ ăn không khoa học có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Đây cũng không phải là cách tốt để giảm cân.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, việc giảm cân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tổng lượng calo tiêu thụ, chất lượng thực phẩm, mức độ hoạt động thể chất và lối sống tổng thể. Thay vào đó, mọi người có thể áp dụng các phương pháp giảm cân khoa học và an toàn hơn nếu đảm bảo các điều kiện sau
- Chế độ ăn cân đối và đầy đủ dinh dưỡng
- Ăn đủ bữa và đúng giờ: Thay vì ăn 2 bữa lớn, hãy chia nhỏ bữa ăn thành 3 bữa chính và 2 bữa phụ, giúp duy trì mức đường huyết ổn định và cung cấp năng lượng đều đặn cho cơ thể.
- Kiểm soát khẩu phần ăn: Giảm khẩu phần ăn một cách hợp lý và tránh ăn quá nhiều, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều calo và ít dinh dưỡng.
- Tăng cường hoạt động thể chất: Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh với việc tập luyện thể dục thường xuyên để đốt cháy calo và duy trì cân nặng hợp lý.
- Ngủ đủ giấc và quản lý căng thẳng. Uống đủ nước.
Nếu cần, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch giảm cân phù hợp và an toàn.
Theo Linh Thùy/ Znews