Thông tin từ PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay. Tại đây các bác sĩ đã tiếp nhận rất nhiều cháu bé bị đau dạ dày, bệnh có dấu hiệu tăng nhiều so với trước đây.
Nhiều người cho rằng đau dạ dày chỉ xảy ra ở người lớn nên thường bỏ qua các triệu chứng ở trẻ nhỏ, khi phát hiện, bệnh đã diễn biến nặng đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển của trẻ.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Cường – Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, đau dạ dày là bệnh lý hay gặp ở trẻ em. Bệnh cũng có các dấu hiệu tương tự như người lớn song khó nhận biết nếu không để ý. Ở trẻ nhỏ có các dấu hiệu như nôn trớ, chán ăn. Còn ở trẻ lớn hơn biết nhận biết, các dấu hiệu đau bụng thường được phát hiện sớm hơn.
Về nguyên nhân gây bệnh, PGS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh phần lớn bởi thói quen từ bố mẹ.
Thứ nhất là thói quen ép con ăn. “Các bậc phụ huynh luôn ép con cái của họ ăn thật nhiều để nhanh lớn, nhưng nếu cho trẻ ăn quá no trẻ rất dễ ói, điều đó làm cho dạ dày không thể tiêu hóa kịp, có thể dẫn đến tình trạng đau dạ dày ở trẻ. Đây là nguyên nhân rất phổ biến dẫn tới hầu hết các trường hợp đau dạ dày ở trẻ nhỏ”, PGS Dũng phân tích.
Thứ hai là do trẻ phải học hành quá tải, lo lắng quá nhiều dẫn đến bị stress. Hiện, sức ép từ việc học rất rõ ràng. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc nhiều các thiết bị di động, phim ảnh cũng có thể tạo ra những căng thẳng dẫn đến đau dạ dày.
Do đó, PGS Dũng khuyên các phụ huynh không nên tạo áp lực cho trẻ trong việc ăn và học. Nên dành nhiều thời gian hơn để trẻ được vui chơi ở ngoài trời hơn là chỉ học tập và vui chơi trong nhà.
Còn bác sĩ Cường cho biết thêm, cũng như người lớn, nguyên nhân gây đau dạ dày ở trẻ em phần lớn còn do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) và do tình trạng tăng tiết acid (tùy theo cơ địa).
Trong đó, cần thận trọng với vi khuẩn HP. Đây là loại xoắn khuẩn, sống trên lớp nhày niêm mạc dạ dày và gây ra bệnh này.
Trong số những người bị viêm loét dạ dày thì tỷ lệ do vi khuẩn này gây ra tới 70 – 90%. Vi khuẩn này thường lây qua việc ăn chung mâm, hôn, chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng. Tuy nhiên, không phải bất cứ trẻ nào nhiễm HP đều bị đau dạ dày. Nếu HP không gây triệu chứng gì thì chúng ta vẫn có thể “sống hòa bình” với chúng.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị đau dạ dày
PGS Dũng cho biết thêm, với người lớn bị đau dạ dày thường thường có các biểu hiện như đau bụng vùng thượng vị (vùng trên rốn, ngay dưới xương ức), đau nhức, tái đi tái lại.
Còn ở trẻ, các dấu hiệu này không đặc trưng hoặc khó nhận biết. Nhiều trường hợp nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa khiến việc điều trị khó dứt điểm. Do đó, cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu sau ở trẻ để nghĩ đến bệnh lý đau dạ dày:
Đau bụng: Trẻ đau bụng vùng thượng vị thường giống như người lớn, đau lâm râm, âm ỉ, đôi khi có cảm giác bỏng rát ở thượng vị (trên rốn). Một số trẻ có cơn đau về đêm, mỗi cơn có thể kéo dài vài chục phút đến hàng giờ. Mỗi đợt đau có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng.
Nôn: Nôn và buồn nôn hoặc chán ăn là những triệu chứng rất ít gặp ở trẻ lớn nhưng ở trẻ nhỏ có thể gặp nôn tái đi tái lại, kèm theo chậm lớn, mệt mỏi, xanh xao và có thể xuất huyết tiêu hóa.
Thiếu máu: Nguyên nhân thường do xuất huyết đường tiêu hóa kéo dài nhiều ngày hoặc xuất huyết ồ ạt do vết loét ăn mòn vào trong niêm mạc và dưới niêm mạc. Điều này làm tổn thương mạch máu dẫn tới thiếu máu cấp tính và nặng. Đây cũng có thể là những lý do đầu tiên khiến trẻ nhập viện.
"Khi trẻ có những triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa, nên đưa trẻ đến các bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và tư vấn chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp, tuyệt đối không được chủ quan", PGS Dũng khuyến cáo.
Theo Zing News