Ăn rươi đem lại nhiều lợi ích sức khỏe lại vô cùng ngon miệng nên ai cũng tranh thủ ăn nhiều khi mùa rộ. Tuy nhiên, bạn cần chú ý những điều sau khi ăn rươi tránh thiệt thân.
Là thực phẩm theo mùa, nên mỗi độ thu về, người ta lại náo nức săn rươi để làm món ăn ngon đổi vị cho cả nhà. Ăn rươi đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nhờ giá trị dinh dưỡng cao.
Rươi thuộc bộ giun đốt, nhiều lông tơ, sống tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ. Mỗi năm, chúng chỉ xuất hiện ngắn ngủi có vài ngày. Thời gian được dân gian đúc kết chính xác là "tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm". Có nghĩa là rươi chỉ nổi nhiều, tập trung nhất vào ngày 20 tháng chín và mùng 5 tháng mười âm lịch mỗi năm.
|
Rươi thuộc bộ giun đốt, nhiều lông tơ, sống tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ. |
Từ những con rươi có hình thù hơi gớm ghiếc, người ta có thể chế biến thành khá nhiều món ăn như chả rươi, mắm rươi, rươi nấu riêu, rươi xào củ niễng, kho, hấp… Món nào cũng thơm, ngon miệng và giàu dinh dưỡng.
Vừa tốt cho sức khỏe lại cực ngon miệng với thực đơn đa dạng, đối với nhiều người mùa thu không thể không ăn rươi. Tuy nhiên, đi cùng với giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng sự khoái khẩu của người ăn, khi ăn rươi, giới chuyên gia cũng khuyến cáo bạn tránh rước họa vào thân.
Một số lưu ý khi ăn rươi mà bạn không được bỏ qua dưới đây được chuyên gia dinh dưỡng công nhận:
Người có cơ địa dị ứng cần cẩn trọng khi ăn rươi
Theo TS Phạm Duệ (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), rươi là thực phẩm giàu đạm. Nhưng không giống với thịt lợn, thịt bò, đạm trong rươi có nhiều chất khác nên nguy cơ dị ứng cực cao. Khi ăn rươi, cơ thể sẽ hấp thu lượng đạm cho một dị nguyên, ngấm vào ruột, máu, gây phản ứng cho cơ thể.
Đối với những người có cơ địa dị ứng, giới chuyên gia cảnh báo đặc biệt cần cẩn trọng khi ăn rươi. Nhiều năm trước, chúng ta cũng có ghi nhận nhiều trường hợp dị ứng do ăn rươi nên không được chủ quan.
Khi ăn rươi, cơ thể sẽ hấp thu lượng đạm cho một dị nguyên, ngấm vào ruột, máu, gây phản ứng cho cơ thể.
Chuyên gia khuyên, nên đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu như khó thở, mắt mặt sưng híp lên, nôn… sau khi ăn rươi. Tránh tự sơ cứu tại nhà đề phòng sốc phản vệ, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Nếu từng có tiền sử ngộ độc thức ăn, dị ứng sau khi ăn rươi, tốt nhất không ăn món này vào những lần sau.
Đối tượng bà bầu, trẻ nhỏ khi ăn rươi cần hết sức cẩn trọng
Theo chuyên gia dinh dưỡng, vì rươi rất giàu đạm nên bà bầu không nên đụng đến món này. Nếu ăn, mẹ bầu có thể bị khó tiêu, sình bụng, không có lợi cho tiêu hóa. Từ đó ảnh hưởng không tốt đến em bé.
|
Vì rươi rất giàu đạm nên bà bầu không nên đụng đến món này. |
Còn đối với trẻ nhỏ, do hệ tiêu hóa còn non nớt tuyệt đối không được cho trẻ ăn rươi nhiều một lúc. Tốt nhất, mẹ chỉ nên cho bé ăn từng chút một để thử phản ứng của con với món ăn. Khi ăn rươi chỉ cho trẻ ăn lượng ít. Nếu có dấu hiệu bất thường cần dừng ngay lại, nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ ngay.
Ăn rươi cần đảm bảo nhất khâu vệ sinh
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), rươi cũng như các loài nhuyễn thể nói chung ở môi trường đáy nước, bùn cát thường dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống. Chúng là những vật trung gian có thể gây bệnh như Salmonella, E.coli, gây tiêu chảy, đường ruột nếu chế biến không cẩn thận, đúng cách. Do đó, khâu chế biến sạch sẽ, đúng cách được nhấn mạnh hàng đầu khi ăn rươi an toàn.
|
Rươi cũng như các loài nhuyễn thể nói chung ở môi trường đáy nước, bùn cát thường dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống. |
Ngoài ra, khi sơ chế, bạn cũng cần chú ý loại bỏ những con rươi đã chết vì chúng dễ sinh độc tố, gây tiêu chảy cấp, đau đầu, choáng váng cho người ăn phải.
Để di chuyển rươi đến những khu vực thành phố, nhiều thương gia sẽ phải chọn hình thức cấp đông. Khâu này cần đảm bảo vệ sinh. Rươi được cấp đông phải đảm bảo tươi sống. Do đó, khi mua rươi về ăn cần chú ý mua tại những cửa hàng uy tín, tránh mua phải rươi chết, rươi nhiễm độc.
Theo HH/Báo Dân Sinh