Theo The Guardian, các nhà khoa học từ Trường Đại học Queen ở Belfast (Anh) đã kêu gọi cấm sử dụng nitrit trong thực phẩm sau khi phát hiện ra nó chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc một số loại thịt chế biến liên kết mạnh mẽ với bệnh ung thư.
Thí nghiệm trên chuột bằng hai loại thịt heo chế biến sẵn có nitrit và không có nitrit cho thấy các con chuột ăn loại chứa nitrit có các khối u ung thư phát triển nhiều hơn tới 75% so với các con ăn loại không chứa nitrit.
Nguy cơ đặc biệt lớn với ung thư ruột, với các khối u phát triển nhiều hơn tới 82%.
Nitrit giúp một số loại thịt chế biến sẵn trở nên ngon mắt và giữ được lâu hơn có liên quan mạnh mẽ đến bệnh ung thư (Ảnh minh họa từ Internet)
Tiến sĩ Brian Green, thành viên nhóm nghiên cứu, phân tích: "Kết quả từ nghiên cứu cho thấy không phải tất cả các loại thịt chế biến đều có nguy cơ ung thư như nhau và việc tiêu thụ thực phẩm chế biến có chứa nitrit làm trầm trọng thêm bệnh ung thư do thúc đẩy sự phát triển của các khối u".
Điều này gây giật mình vì theo một khảo sát, 90% thịt xông khói - món ăn ưa thích của người Anh - được bán ở đất nước này có chứa nitrit.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Nitrit vốn là nhóm chất phụ gia được thêm vào nhiều loại thịt chế biến, đặc biệt là thịt xông khói, jambon, xúc xích, lạp xưởng... Không chỉ giúp bảo quản các thực phẩm này, chúng còn đem lại vẻ tươi ngon hơn nhờ giúp thịt giữ được màu đỏ hồng, cũng như tăng thêm hương vị cho món ăn.
Gần đây Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu đã công bố một bản dự thảo cho thấy mức độ nitrit trong thực phẩm có thể gây ra mối lo ngại về sức khỏe. Trong khi đó, chính phủ Pháp đã cam kết loại bỏ nitrit trong sản xuất thực phẩm nếu có thể, sau khi cơ quan y tế quốc gia này công bố một nghiên cứu hồi tháng 7 cho thấy nhóm hóa chất này làm tăng nguy cơ ung thư.
Theo Người lao động