Rợn người cảnh bán thận ở chợ đen

Google News

Ghép thận ở Philippines chỉ hợp pháp đối với họ hàng thân thích. Nhưng chợ đen bán thận vẫn nở rộ, lợi dụng và lừa gạt những người nghèo, yếu thế, phá hủy cuộc đời họ.
 

Reyna về nhà, mệt mỏi sau một ngày dài ở Bệnh viện Đa khoa Philippines. Bà dành cả ngày nói chuyện với hai người có thể hiến thận. Họ chính là nguồn thu nhập tiềm năng của bà.
Reyna là một “cò săn thận”, đi khắp các khu ổ chuột ở Manila để tìm người hiến tạng. Cách kiếm tiền của bà là trái pháp luật, và có thể mang lại án phạt 20 năm tù. Nhưng vì nghèo đói, bà đã bất chấp rủi ro ngồi sau song sắt.
Philippines - điểm nóng buôn bán nội tạng của thế giới
Reyna tìm người sẵn sàng hiến thận, rồi sắp xếp cho họ đi khám. Với mỗi người chịu đi như vậy, bà nhận được 500 peso Philippines, tương đương 1 USD. Quá trình khám có thể mất tới một năm. Lợi nhuận hấp dẫn khiến thị trường buôn bán nội tạng trái pháp luật ở Philippines nở rộ, nhắm đến các nạn nhân nghèo, yếu thế suốt nhiều thập kỷ nay.
“Chính phủ không thể chặn được. Họ không thể cấm những người đang có nhu cầu, đang cố kiếm sống qua ngày”, Reyna nói với Channel NewsAsia trong ngôi nhà tồi tàn của mình.
Đơn hàng gần nhất đến từ một công chức về hưu bị suy thận giai đoạn sau, phải chạy thận. Người này sẵn sàng trả 120.000 peso (2.300 USD) để mua quả thận khỏe mạnh.
Philippines là điểm nóng của thế giới về buôn bán nội tạng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ đích danh Philippines là nước xuất khẩu nội tạng, bên cạnh Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Ai Cập và Colombia. Luật chống buôn người năm 2009 của Philippines đã giảm phần nào nạn buôn bán nội tạng.
Ron nguoi canh ban than o cho den
Buôn bán nội tạng trái phép mang lại lợi nhuận lớn ở Philippines, biến nước này thành một điểm nóng buôn bán nội tạng của thế giới. Đồ họa: Channel NewsAsia. 
Tuy nhiên, Philippines vẫn chưa dẹp được chợ đen buôn bán nội tạng, nơi nhiều người nghèo và yếu thế bị lợi dụng.
Cơ quan chống buôn người của nước này cho biết năm 2019, đã có 51 vụ buôn bán nội tạng đang được theo dõi, nhưng chưa có ai bị bắt giữ. Cơ quan này cho biết con số trên không phản ánh toàn bộ, và các nạn nhân bị lấy nội tạng có thể không nhận thức được hành vi phạm tội để tố cáo.
“Bí mật ai cũng biết”
Hiến tạng ở Philippines hợp pháp nếu người hiến và người nhận là họ hàng. Nói chung, những người có thể hiến và nhận cho nhau là cha mẹ, con cái, anh chị em, ông bà và các cháu.
Hiến tạng giữa những người không cùng huyết thống cũng được cho phép - với cả người Philippines và người nước ngoài - nếu hai bên có quan hệ thân thích. Người cho nội tạng phải chứng tỏ được rằng mình đang hiến tạng tự nguyện, vì tình thân.
Chẳng hạn, hai người yêu nhau lâu dài có thể hiến tạng cho nhau. Đồng nghiệp nếu biết nhau hơn 10 năm cũng đủ điều kiện.
Không có quan hệ thân tình như trên, việc hiến tạng là phạm pháp. Nhưng các đường dây vẫn hoạt động rộng rãi, được thương mại hóa. Các giao dịch được thực hiện “chui”, và đây từ lâu đã là “bí mật mà ai cũng biết” ở đất nước này.
Theo các quảng cáo trên mạng, giá chào bán một quả thận có thể lên tới 500.000 peso (9.700 USD), tùy theo thỏa thuận. Giá trung bình là từ 200.000-300.000 peso (3.900-5.800 USD). Người nhận thường trả tiền thức ăn và đi lại cho người hiến tạng, cũng như phí môi giới.
Đằng sau đó là các đường dây tội phạm có tổ chức ở Philippines. Chúng nở rộ nhờ vào sự nghèo đói, cũng như sự gia tăng số bệnh nhân bị bệnh thận. Số bệnh nhân chạy thận đã tăng từ 9.716 năm 2010 lên 21.535 năm 2016, theo thống kê chính thức.
“Chúng tôi không thành công trong việc phòng bệnh thận. Nguyên nhân gốc rễ là tiểu đường và cao huyết áp, và số ca bệnh này đang tăng lên”, bác sĩ Benita Padilla, chuyên gia về thận từ Viện Thận và Ghép tạng Quốc gia ở Manila, nói với Channel NewsAsia.
Ron nguoi canh ban than o cho den-Hinh-2
 Những kẻ buôn người thường gạ những người nghèo, từ các khu ổ chuột, đi bán thận. Ảnh: Channel News Asia.
Những người cần thận đa số là những người bị suy thận mạn tính và phải chạy thận. Theo bác sĩ Padilla, khoảng 40.000 bệnh nhân phải chạy thận trên cả nước mỗi năm, nhưng chỉ 500 người trong số họ có thể tìm được người hiến thận.
Ngay cả khi có khả năng chi trả 11.000-20.000 USD chi phí phẫu thuật, người nhận vẫn phải đối mặt với danh sách chờ dài và thực tế phũ phàng là có thể họ sẽ phải chạy thận cả đời.
Bán thận vì nghèo đói và ước mơ
Người mua thận thường thuê “môi giới” để tìm những người hiến thận, sẵn sàng giả các mối quan hệ thân tình, các giấy tờ để hợp pháp hóa việc hiến thận trong mắt chính quyền.
Môi giới tiếp tục thuê “cò thận” như Reyna, sống trong các khu nghèo, quen biết tốt, biết cách nhắm đến những người hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, dễ bị thuyết phục đi bán nội tạng.
“Nếu không bị điên, thì không người giàu nào lại đi bán thận, và môi giới biết điều đó”, Reyna nói với Channel News Asia. “Vì vậy họ luôn tìm người bán thận ở các khu nghèo như khu này”.
Chính sự nghèo túng, và cả ước mơ, đã đẩy họ đến nước phải bán thận. Như bao người, họ muốn mua được nhà, xe hơi, xe ba bánh, để có cuộc sống ổn định.
Đó là tình cảnh mà Danilo biết quá rõ.
Ngày 3/7/2002, cha của hai đứa trẻ vào phòng phẫu thuật ở bệnh viện St. Luke ở Manila. Bác sĩ lấy một quả thận và ghép cho một người Canada, hai bên không phải họ hàng, không thân thích.
“Tôi không sợ vì tôi chỉ nghĩ đến con cái. Tôi muốn cho vợ con căn nhà của riêng mình”, Danilo nói, vạch ra vết sẹo ở sườn.
Ron nguoi canh ban than o cho den-Hinh-3
 Danilo vạch ra một vết sẹo dài từ cuộc phẫu thuật lấy thận năm 2002. Ông đã bán một quả thận cho một người Canada. Ảnh: Channel NewsAsia.

Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng. Danilo bán thận với giá 2.200 USD nhưng chỉ nhận được 1.650 USD do phải chia với môi giới. Ông dùng tiền để mua một căn nhà trong khu ổ chuột ở Manila. 9 tháng sau, một đám cháy trong khu đó thiêu rụi cả nhà của Danilo.
“Tôi tuyệt vọng khi nghĩ tiền mua nhà là tiền mình bán nội tạng”, ông nói.
17 năm sau khi hiến thận, ông vẫn nghèo, vẫn sống với cha mẹ vợ, cùng vợ và 5 con trong căn phòng không cửa sổ - tối tăm, ngột ngạt và chật chội.
Chỉ đứng ở đó, mới mường tượng được sự khổ cực, vật lộn của Danilo, hoàn toàn có thể biến một con người tuyệt vọng thành nạn nhân buôn bán nội tạng, thậm chí thành tội phạm môi giới, theo Channel News Asia.
Đa số nạn nhân bị lừa gạt
Danilo cũng hy sinh sức khỏe của mình. Chỉ còn một quả thận, người thợ hàn mệt rất nhanh. Ông từng làm việc nhiều ngày liền, nhưng giờ đây không thể làm quá hai ngày. Bỏ bữa ăn sẽ làm ông đau đớn không chịu nổi. Nâng vật nặng cũng khó khăn.
Nếu có thể quay ngược thời gian, Danilo nói sẽ không bán thận. “Tôi thà làm việc cả ngày còn hơn làm một tí là mệt”.
Theo Nancy Scheper-Hughes từ tổ chức Organ Watch chuyên giám sát buôn bán nội tạng, nhiều người hiến thận không nhận thức đủ về tác dụng phụ của phẫu thuật lấy nội tạng. Một số trẻ em từ các khu ổ chuột của Manila còn khai giả tên và tuổi theo hướng dẫn của môi giới, để đủ điều kiện hiến tạng.
“Họ không hiểu tính nghiêm trọng của phẫu thuật, hay điều kiện mà họ sẽ bị nhốt trước và sau phẫu thuật, ảnh hưởng về sức khỏe, hay khả năng không thể tiếp tục các công việc nặng nhọc”, bà Scheper-Hughes viết trong báo cáo năm 2014.
Ron nguoi canh ban than o cho den-Hinh-4
 Giấy chứng nhận đã dự buổi thông tin dành cho những người hiến thận ở Philippines. Ảnh: Channel News Asia.
Theo nghiên cứu của bà, đa số nạn nhân tự nguyện đi hiến tạng, để rồi nhận ra họ đã bị lừa gạt.
“Người hiến tạng thường lo ngại đang phạm pháp, rằng đây là cái bẫy”, Reyna nói. “Vì vậy tôi phải nói là tôi biết bệnh nhân, là bạn của bệnh nhân và muốn cứu giúp, như vậy để họ tin”.
Reyna trở thành cò thận sau khi chính chồng của bà bán thận. Bà đã dành nhiều năm làm quen với các môi giới khác, và những người mua, người bán ở Manila. Có những người nghèo túng đến mức tìm đến bà để bán thận.
Để trấn áp nạn buôn bán nội tạng, Philippines đã lập ra Ủy ban Quốc gia về Đạo đức Ghép tạng, chuyên giám sát việc ghép tạng ở 18 cơ sở được cấp phép. Ủy ban này cũng phỏng vấn người cho, người nhận nội tạng, để từ chối những trường hợp khả nghi.
“Ủy ban đạo đức có hiệu quả 100% hay không? Tôi không cho là vậy”, bác sĩ Padilla nói.
Những kẻ môi giới đã biết ủy ban muốn nghe câu trả lời thế nào. Họ bắt người hiến thận trả lời đúng kiểu, chẳng hạn “tôi không bán thận, tôi chỉ hiến thận vì thân thích”.
Chính phủ Philippines đang hành động để dẹp bỏ buôn bán nội tạng, thiết lập các ủy ban giám sát quốc gia, tạo quy chuẩn đánh giá người hiến tạng, theo Yvette Coronel, quan chức từ hội đồng liên ngành chống buôn bán người.
Nhưng trong khi các quy chuẩn đang được hoàn thiện, cò thận như Reyna tiếp tục lạm dụng những người nghèo hiến thận, hướng dẫn họ cách lừa dối chính quyền.
“Đối với một số người hiến tạng, đó là lựa chọn duy nhất mà họ có để kiếm tiền. Đó là lý do họ làm vậy”, Reyna nói.
Theo Trọng Thuấn/Zing