Phải xác định đúng nguyên nhân gây viêm
TS.BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM, BS trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T - cho biết: Sau khi thực hiện các xét nghiệm tầm soát, tiến hành sinh thiết mô tinh hoàn trái, BS phát hiện bệnh nhân bị lao tinh hoàn gây viêm đau. Do đó, không cần phải cắt tinh hoàn mà cần điều trị nội khoa với liều kháng sinh tấn công và phác đồ điều trị lao ngoài phổi 9 tháng liên tục. Sau đợt điều trị, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn mà không phải cắt bỏ tinh hoàn, bảo tồn được chức năng sinh sản và sự cân bằng nội tiết trong cơ thể.
|
TS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM đang phẫu thuật cho bệnh nhân. |
Theo TS.BS Tiến Dũng, viêm tinh hoàn có thể gặp phải do vi khuẩn, virus (như quai bị), sau chấn thương. Viêm tinh hoàn do lao hay do vi khuẩn không đặc hiệu dẫn tới tình trạng viêm diễn tiến, gây viêm ngược ống dẫn tinh, làm tắc đường dẫn tinh. Vi khuẩn lao sẽ gây những sang thương trên ống dẫn tinh, tạo thành những chỗ tắc nghẽn. Đối với vi khuẩn không đặc hiệu sẽ gây dày và xơ hóa ống dẫn tinh. Đây là nguyên nhân gây hiếm muộn và truyền nhiễm bệnh cho bạn tình, khiến đối tác nữ bị lây bệnh, dẫn tới lao ngoài phổi, lao âm đạo, tử cung, viêm tắc buồng trứng.
Để điều trị viêm tinh hoàn, cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân để bệnh được điều trị nhanh chóng, chính xác, tránh việc tinh hoàn bị áp xe, hoại tử và buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản và sức khỏe của bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân T, nếu bệnh viện tuyến dưới thực hiện giải phẫu bệnh từ đầu, phát hiện sớm và điều trị lao tinh hoàn cho bệnh nhân thì rất có thể bệnh nhân không bị mất một tinh hoàn vài tháng trước và suýt mất tinh hoàn còn lại. Chỉ định cắt tinh hoàn chỉ có thể đưa ra sau khi điều trị nội khoa thất bại và xác định được nguyên nhân gây viêm.
Mất tinh hoàn vì kháng kháng sinh
Viêm tinh hoàn do tạp khuẩn không hiếm gặp trong cộng đồng với biểu hiện sưng to, căng tức, đau, nóng, phù nề vùng tinh hoàn. Các trường hợp viêm cấp có thể được điều trị bằng kháng sinh thông thường trong khoảng gần 1 tuần. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ngày càng có nhiều bệnh nhân buộc phải chấp nhận tình trạng tốn kém trong điều trị và thậm chí phải chịu cắt tinh hoàn vì tình trạng viêm diễn tiến nặng do kháng kháng sinh.
Trường hợp bệnh nhân T.T.H (quận 9, TP.HCM), trước đó 10 ngày, có quan hệ tình dục, sau đó có biểu hiện sưng đau vùng tinh hoàn. Bệnh nhân tự ý uống kháng sinh mà tình trạng không được cải thiện. Khi đến Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân thì tinh hoàn của bệnh nhân đã xuất hiện khối viêm sưng cứng. Xét nghiệm nước tiểu để làm kháng sinh đồ cho thấy bệnh nhân kháng hầu hết các loại kháng sinh. Sau khi điều trị 7 ngày với phác đồ gồm các dòng kháng sinh mạnh nhất hiện nay nhưng không đáp ứng thuốc, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn của bệnh nhân.
TS.BS Tiến Dũng chia sẻ: Hiện rất nhiều người dân trong cộng đồng vô tình tự mình tạo ra các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh qua việc tự ý mua thuốc kháng sinh, uống chỉ vài ba ngày (thay vì phải uống 1 tuần) để trị triệu chứng các bệnh hay gặp như viêm họng, sổ mũi, viêm xoang... Điều này khiến vi khuẩn lờn thuốc, khi gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn thông thường rất khó điều trị. Đồng thời, cũng có thể lây lan vi khuẩn kháng thuốc ra cộng đồng.
Theo Lao Động