Bị sốt kèm nhức đầu, buồn nôn, sụp mi mắt bên phải kéo dài cả tháng mà không hết, người đàn ông 48 tuổi, ngụ quận 2 TP.HCM tới bệnh viện Nhiệt Đới thăm khám.
Nói với bác sĩ, người này cho biết mình là người đồng tính và đang điều trị nhiễm HIV.
Bác sĩ ghi nhận cơ mặt bên phải của bệnh nhân bị liệt nhẹ nên cho chụp MRI não. Kết quả cho thấy não bệnh nhân bị tổn thương rải rác tầng trên và tầng dưới.
|
Người đàn ông mắc giang mai thần kinh sau thời gian dài quan hệ đồng giới. |
Nghi ngờ người này mắc
giang mai thần kinh, các bác sĩ tiến hành hội chẩn với BV Da liễu TP.HCM. Qua làm xét nghiệm dịch não tủy, bệnh nhân được xác định mắc giang mai thần kinh.
Sau 2 tuần điều trị điều trị theo phác đồ, người bệnh đã hết sốt, cơ mặt bên phải cải thiện rõ, chọc dò dịch não tủy để đánh giá lại cho thấy dịch não tủy được cải thiện hẳn, màu sắc trong.
BS Nguyễn Đình Bảo Hưng – Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho hay, giang mai thần kinh là một bệnh hiếm. Trường hợp bệnh nhân này có biểu hiện tổn thương thần kinh ngoại biên, rối loạn vận động, rung giật nhãn cầu, bất thường dịch não tủy.
Giang mai thần kinh là gì?
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Phần lớn bệnh giai đoạn 1 và 2 xảy ra trong giới đồng tính, bisexual và MSM (men sex men).
Giang mai giai đoạn 1 đặc trưng bởi vết loét tại vị trí lây nhiễm và lành trong 2 - 3 tuần.
Giang mai giai đoạn 2 được thấy ở 1/4 bệnh nhân không được điều trị, xuất hiện sau vài tuần đến vài tháng sau khi nhiễm vi khuẩn Treponema pallidum.
Giang mai giai đoạn 3 thường hiếm và phát triển ở nhóm bệnh nhân nhiễm và không được điều trị. Bệnh có thể xuất hiện 1 - 30 năm sau khi nhiễm vi khuẩn Treponema pallidum.
Bệnh giang mai giai đoạn 3 có thể ảnh hưởng đa cơ quan, bao gồm não, thần kinh, mắt, tim, mạch máu, gan, xương và khớp.
Khoảng 15-30% người bệnh không được điều trị với giang mai sẽ tiến triển vào giai đoạn này, bệnh có thể gây tử vong.
Giang mai thần kinh là bệnh nhiễm ở thần kinh trung ương, là một triệu chứng của giang mai giai đoạn 3 và gây ra một số triệu chứng như đau đầu, mù mắt, điếc, thay đổi hành vi, liệt vận động, thiếu hụt cảm giác, mất trí, bệnh tâm thần, rối loạn thần kinh, đột quỵ, viêm màng não...
Biểu hiện của bệnh không có sự đặc trưng nên có thể nhầm lẫn với vài bệnh lý khác. Bệnh được chẩn đoán dựa vào xét nghiệm máu và dịch não tủy.
"Những bệnh nhân có giang mai huyết thanh dương tính và dấu hiệu tổn thương thần kinh trung ương, mắt, tai,... nên tiến hành chọc dò não tủy để tầm soát giang mai thần kinh. Nếu được phát hiện bệnh, bệnh có thể chữa được", BS khuyến cáo.
Theo Văn Đức/Vietnamnet