Quả na có tên gọi khác là quả mãng cầu ta hay quả mãng cầu dai có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Ngoài được trồng ở Việt Nam, na còn được trồng tại các vùng châu Mỹ, vùng nhiệt đới.
Đặc điểm quả na
Quả na có hình to tròn, vỏ bên ngoài có màu xanh, sần sùi hình mắt lồi lên như hình lưới. Bên trong ruột màu trắng, nhiều hạt màu đen. Na bóc vỏ mắt sần bên ngoài khi ăn có vị ngọt đậm. Được trồng chủ yếu ở các vùng đất đồi, núi, vùng tây bắc và đông bắc bộ.
|
Quả na bên trong ruột màu trắng có hạt màu đen. |
Quả na có tác dụng gì?
Giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, ăn na có tác dụng giúp tăng cường khả năng miễn dịch, chống viêm và tốt cho sức khỏe của mắt và tim.
1. Chất chống oxy hóa cao
Nồng độ gốc tự do cao có thể gây ra sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể, có liên quan đến các bệnh mãn tính bao gồm ung thư và bệnh tim.
Một số hợp chất trong quả na bao gồm axit kaurenoic, flavonoid, carotenoids và vitamin C có tác dụng chống oxy hóa. Nghiên cứu cho thấy thực phẩm giàu carotenoids như quả na có thể tăng cường sức khỏe của mắt và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và một số bệnh ung thư.
2. Ngăn ngừa trầm cảm
Quả na là một nguồn vitamin B6 (pyridoxine) tuyệt vời. Trên thực tế, 1 cốc sinh tố na (160gram) chứa hơn 30% lượng vitamin B6 mà ta tiêu thụ hàng ngày.
Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh, bao gồm serotonin và dopamine, giúp điều chỉnh tâm trạng trở nên tốt hơn và tránh nguy cơ bị trầm cảm.
Trên thực tế, nồng độ vitamin B6 trong máu thấp có liên quan đến trầm cảm, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
3. Tốt cho mắt
Lutein carotene là một trong những chất chống oxy hóa chính trong mắt giúp mắt khỏe mạnh, chống lại các gốc tự do.
Một số nghiên cứu liên quan cho thấy, lượng lutein cao giúp thị lực của mắt tốt hơn và nguy cơ thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD) thấp hơn.
Lutein cũng có thể bảo vệ chống lại các vấn đề về mắt khác bao gồm đục thủy tinh thể gây ra thị lực kém và giảm thị lực. Do đó, tiêu thụ thực phẩm giàu lutein như quả na có thể tăng cường sức khỏe của mắt và chống lại các tình trạng như thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.
4. Điều chỉnh huyết áp
Trong quả na có nhiều khoáng chất giúp điều chỉnh huyết áp, chẳng hạn như kali và magiê có tác dụng thúc đẩy sự giãn nở của các mạch máu, từ đó giúp giảm huyết áp. Huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ
5. Tốt cho đường ruột
Thực phẩm giàu chất xơ như quả na có thể thúc đẩy tiêu hóa khỏe mạnh ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa. Các chất xơ hòa tan có trong quả na có thể nuôi các vi khuẩn có lợi trong ruột, cũng như trải qua quá trình lên men để tạo ra axit béo chuỗi ngắn (SCFA), các axit này bao gồm butyrate, acetate và propionate.
6. Đặc tính chống ung thư
Các flavonoid có trong quả na bao gồm catechin, epicatechin và epigallocatechin. Một số flavonoid này đã được chứng minh là ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư trong các nghiên cứu trong ống nghiệm.
Hơn nữa, các nghiên cứu về dân số cho thấy rằng những người tiêu thụ chế độ ăn giàu flavonoid có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư nhất định, chẳng hạn như ung thư dạ dày và ruột kết so với những người có chế độ ăn ít hợp chất này.
7. Chống viêm, tăng cường miễn dịch
Quả na chứa nhiều hợp chất chống viêm như axit kaurenoic, catechin và epicatechin giúp làm giảm mức độ viêm mãn tính, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hàm lượng vitamin đặc biệt là vitamin C có trong quả na có thể tăng cường khả năng miễn dịch và giúp cơ thể ngăn ngừa nhiễm trùng.
Những tác hại của quả na cần lưu ý khi ăn
- Tuy có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, một số chất có trong quả na chứa độc tố có thể làm hỏng hệ thống thần kinh nếu tiêu thụ số lượng lớn.
- Trong na có chứa annonacin, một chất độc có thể ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh. Trên thực tế, nghiên cứu về người dân tại các khu vực nhiệt đới có tiêu thụ nhiều trái cây có chứa annona như quả na làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Các bộ phận chứa nhiều annonacin là hạt và vỏ của quả na.
- Khi ăn quả na cần lưu ý, ăn các quả chín mềm. Không ăn quả xanh hoặc chưa chín kỹ sẽ dẫn tới hấp thụ nhiều chất annonacin không tốt cho cơ thể.
- Không cắn vỡ hạt, không nhai và nuốt hạt na. Nếu lỡ nuốt phải hạt na bạn không nên quá lo lắng vì vỏ của hạt na rất dày dễ dàng đào thải qua đường tiêu hóa.
Theo PV/PNVN