Hồng là cây có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc nhập vào nước ta, được trồng chủ yếu ở miền Bắc. Theo y học cổ truyền, quả hồng có vị ngọt chát, tính bình, tác dụng bổ tỳ thận, nhuận phế, tiêu đờm, có tác dụng làm thuốc .
Theo dược tính hiện đại, quả hồng chín có lượng đường rất cao, từ 14 - 20% gồm các đường như glucose, sarcharose, fructose và caroten, lycopen, các muối Fe, Ca, P, vitamin A, B, C và nhiều chất tannin. Dưới đây là một số tác dụng cụ thể của trái hồng.
Hạ huyết áp: Trong trái hồng có chứa chất Shibuol là hỗn hợp của axit gallic và phloroglaciol, có tác dụng làm hạ huyết áp. Tuy nhiên, thường những người trung tuổi lại hay mắc bệnh huyết áp, nhưng hệ tiêu hóa lúc này bắt đầu làm việc “chậm chạp” nên nếu ăn nhiều hồng ngâm sẽ tích tụ thành bã, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Do vậy, bạn không nên ăn quá nhiều, mà tốt nhất nên ăn loại hồng chín hoặc dùng nước ép của trái hồng gần chín.
Bổ sung nước khi tập thể thao: Trái hồng có chứa hơn 80% là nước và chứa nhiều vitamin C nên là thực phẩm bổ sung nước tốt cho người lao động nặng, tập thể thao và những người muốn giảm cân.
Chữa đau cổ họng, ho, họng khô ngứa: Quả hồng chín đun nhỏ lửa ép nước chảy ra cho vào khuôn phơi se dùng dao cắt phơi khô ăn ngày vài lần.
Chữa trẻ em đái dầm: Lấy 7 - 9 tai hồng phơi khô, sắc uống.
Bảo vệ tim mạch, phòng ngừa ung thư: Bêta caroten (tiền vitamin A 1.40mg/100g trái hồng, và tác dụng của chất kháng oxy hóa này còn được hỗ trợ bởi các sắc tố khác như lycopen, có khả năng bảo vệ khỏi các bệnh tim mạch và ngăn ngừa sự phát triển của nhiều bệnh ung thư.
Tốt cho trẻ nhỏ và phụ nữ cho con bú: Trong trái hồng chứa vitamin B1, vitamin B9, canxi, phốt pho có vai trò tốt cho hệ thần kinh và não bộ của trẻ, là chất khoáng cần thiết cho phụ nữ mang thai và nuôi con bú, nên bạn có thể bổ sung trái hồng vào thực đơn của mình.
Tuy có nhiều công năng vậy, nhưng người tỳ vị hư hàn, có đàm thấp bên trong, tiêu chảy, đang bị cảm lạnh không được ăn hồng. Sau bữa ăn có món tôm và cua không nên ăn hồng. Khi đói bụng không nên ăn nhiều trái hồng, nhất là ăn cả vỏ hoặc hồng chưa thật chín sẽ gây cồn ruột, lâu dần đau dạ dày. Trước khi ăn hồng nên gọt vỏ, rửa nhiều lần với nước sạch thật kỹ, sau đó ngâm với nước muối để loại bớt chất độc hại (chất bảo quản) nếu đã ngấm vào thịt.
TS Thanh Nhạn (Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam)