Tại hội nghị Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới với chủ đề “Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta” tại Hà Nội, ông Doãn Hữu Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện có trên 24 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) và sẽ tiếp tục tăng, dự báo đạt cực đại vào năm 2027-2028.
Việt Nam nằm trong top những quốc gia có tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai cao trên thế giới. Tính đến 2017, tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai tại Việt Nam đạt 76% (tương đương với tỉ lệ tại Mỹ, Canada), trong đó 57% sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết thêm, so với mặt bằng chung châu Á, tỉ lệ tránh thai tại Việt Nam cao hơn 10%. Tuy nhiên tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai có nhiều khác biệt.
|
Ông Mai Trung Sơn. |
Tính trên toàn thế giới (số liệu 2015), biện pháp tránh thai được sử dụng nhiều nhất là triệt sản nữ, hơn 19%, kế đó là dụng cụ tử cung (đặt vòng) chiếm gần 14%, thứ 3 là sử dụng thuốc tránh thai (8,8%), bao cao su (7,7%), phương pháp tiêm chiếm 4,6%, triệt sản nam 2,4%, cấy tránh thai 0,7... và có tới 36,4% không sử dụng biện pháp tránh thai.
Trong đó Châu Âu là khu vực sử dụng thuốc tránh thai nhiều nhất thế giới, châu Á sử dụng thuốc ít trong khi đặt dụng cụ tử cung nhiều nhất.
Tại Đông Nam Á, xu hướng sử dụng các biện pháp tránh thai cũng có khác biệt khi tiêm chiếm chủ yếu (gần 19%), kế đó là dùng thuốc uống (gần 17%), thứ 3 là dùng dụng cụ tử cung (8,2), kế đó là triệt sản nữ (6,6%), bao cao su chiếm tỉ lệ nhỏ, 4%, cấy chiếm 1,7%, triệt sản nam 0,3%... và tỉ lệ không sử dụng biện pháp nào ở mức 35,8%.
Khác biệt với xu hướng chung của các nước trên thế giới và Đông Nam Á, phụ nữ Việt ưu tiên hàng đầu là phương pháp tránh thai sử dụng dụng cụ tử cung, chiếm tới 32,4%; kế đó là sử dụng thuốc uống và bao cao su, lần lượt tỉ lệ 13,7% và 13,6%, triệt sản nữ chỉ chiếm 3,2%, tiêm (2%), cấy (0,2%), triệt sản nam rất thấp, chỉ 0,1%... và hơn 23% không sử dụng biện pháp tránh thai nào.
|
Tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai tại Việt Nam so với khu vực và thế giới (Số liệu 2015) |
Trong số các biện pháp tránh thai hiện đại, ông Sơn cho biết hiện Việt Nam mới chỉ sản xuất được bao cao su và thuốc tránh thai. Tuy nhiên thuốc tránh thai mới chỉ cập nhật đến thế hệ 1-2, trong khi các nước phát triển đã cập nhật đến thế hệ 3-4.
Dù vậy, nhờ chương trình DS-KHHGĐ, Việt Nam đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đảm bảo mức sinh thay thế ở mức 2,1 con.
Tuy nhiên lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng vẫn còn những khoảng trống trong cung cấp dịch vụ KHHGĐ ở nước ta khi hàng năm vẫn còn 250.000 – 300.000 ca phá thai; cứ 100 ca phá thai trong độ tuổi 15-49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn và trong 1.000 ca phá thai, có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên.
Do đó mục tiêu KHHGĐ giai đoạn tiếp theo tại Việt Nam là cần đảm bảo đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hoá dịch vụ và các phương tiện tránh thanh, đảm bảo tiếp cận dịch vụ, thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp, xoá bỏ khác biệt giữa các vùng địa lý nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân.
Ngày Tránh thai thế giới – 26/9 hàng năm được tổ chức lần đầu tiên tại châu Âu năm 2007, được xem như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet