Phục hồi chức năng
Theo y học cổ truyền, THCSC có biểu hiện chung là đau tại cột sống cổ, có thể tê, mỏi, nặng từ cổ lan xuống 2 tay được xếp chung vào chứng: Kiên bối thống. Nguyên nhân gồm bẩm sinh tinh huyết kém, do dinh dưỡng không đúng hoặc bệnh lâu ngày làm cho can thận âm hư ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng cân mạch, xương tủy, ngoài ra còn do sự lão hóa ảnh hưởng đến chức năng chung của cơ thể. Chấn thương cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến xương gây khí huyết ứ trệ dẫn đến bệnh.
Không có thuốc điều trị quá trình thoái hóa chỉ có điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và phòng bệnh bằng cách ngăn ngừa, hạn chế tác động quá mức ở cột sống. Một số bài thuốc trị thoái hóa của GS Bùi Chí Hiếu gồm:
Bài 1: Lá lốt, cây xấu hổ, quế chi, thiên niên kiện, cỏ xước, thổ phục linh, sài đất, hà thủ ô, sinh địa có tác dụng giảm đau, mạnh gân cốt, bổ can thận.
Bài 2: Ngũ gia bì sao vàng 100g, rượu 1 lít ngâm trong 10 ngày, ngày uống 1 chung nhỏ trước bữa ăn chiều chữa đau nhức, tê cổ gáy.
Bài 3: Rễ cây xấu hổ thái thành từng miếng mỏng phơi khô, ngày dùng 120g rang sau đó tẩm rượu 35 - 400 thêm 600ml nước sắc còn 200 - 300ml chia làm 2 - 3 lần uống chữa đau nhức xương khớp.
Bài 4: Dây đau xương, lấy lá giã nhỏ trộn với rượu đắp lên chỗ sưng đau hoặc thái nhỏ thân sao vàng ngâm với rượu với tỷ lệ 1:5 ngày uống 3 lần mỗi lần 1 chung nhỏ dùng để trị tê nhức xương khớp.
|
Điều dưỡng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM đang châm cứu trị bệnh thoái hóa khớp cổ. |
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống không đầy đủ chất làm mật độ canxi trong xương giảm dần là nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ vì vậy, cung cấp canxi là điều cần thiết trong điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng các thực phẩm như hàu, tôm, cua, ghẹ... ăn nhiều rau, hạn chế dầu mỡ, thức ăn nhanh để giữ cân nặng hợp lý tránh tăng áp lực lên cột sống.
Phòng ngừa và tập luyện hằng ngày đóng vai trò quan trọng trong điều trị thoái hóa cột sống cổ. Bệnh thoái hóa cột sống cổ khiến cổ cứng, khó khăn trong việc xoay chuyển, đau nhức vùng cổ, có khi đau lan xuống cả vai, gây đau đầu. Luyện tập cơ cổ là một biện pháp rất dễ thực hiện và có hiệu quả cao. Hãy dành 10 phút mỗi ngày thực hiện các động tác: Đặt 2 tay vào phía sau đầu, dồn đầu về phía sau, dùng lực hai tay đẩy đầu về phía trước, giữ 3 - 5 phút, ngày thực hiện 2 lần. Ngoài ra, có thể bấm huyệt, xoa bóp nhẹ nhàng cùng khớp cổ và vai bị tổn thương cùng các biện pháp trị liệu như đắp túi chườm, chiếu tia hồng ngoại...
Tránh các động tác quá mạnh đột ngột và sai tư thế trong sinh hoạt, hạn chế ngồi lâu, nên nghỉ ngơi vận động 15 - 20 phút giữa các buổi làm việc, học hành. Thoái hóa cột sống cổ là một bệnh lý mạn tính nên sử dụng nhiều phương pháp điều trị và phòng ngừa, người bệnh nên có những hiểu biết và thay đổi để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
BS Trần Anh Vũ (Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM)