Phó Giám đốc CDC Hà Nội: Phim Lửa Ấm sai cơ bản về phòng chống HIV/AIDS

Google News

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Lã Thị Lan chia sẻ, bà rất buồn vì phim Lửa Ấm chiếu trên khung giờ vàng của VTV, sai thông tin cơ bản về phòng chống HIV/AIDS.

Chiều 24/11, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan cho biết, tính đến 31/10/2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống tại Việt nam là 211.981 người, bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong là 103.462 người.
10 tháng năm 2019, cả nước phát hiện được 8.479 người nhiễm HIV; 1.496 người nhiễm HIV tử vong. Số mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 – 29 và 30 – 39. Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (67,2%) và qua đường máu (16,6%), mẹ sang con 1,8%, còn lại không có thông tin đường lây truyền.
Tính đến 31/10/2020, Hà Nội phát hiện được 29.931 ca nhiễm HIV qua các năm, chiếm 9,6% số người nhiễm HIV của cả nước, là địa phương có số người nhiễm lớn thứ 2, sau thành phố Hồ Chí Minh.
Pho Giam doc CDC Ha Noi: Phim Lua Am sai co ban ve phong chong HIV/AIDS
Bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc CDC Hà Nội
Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS là 194 người/100.000 dân, đứng thứ 12 so với cả nước. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 6.222 ca. Số nhiễm HIV còn sống là 23.709, cao nhất tại quận Đống Đa. Thấp nhất tại huyện quốc Oai.
Trong 10 tháng đầu năm 2020 ghi nhận thêm 1.263 trường hợp nhiễm HIV, giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện năm 2020 chủ yếu là nam giới, chiếm 78,7%; độ tuổi từ 15 – 25, chiếm 26,3%, tăng 8,1% so với năm 2010.
Đường lây nhiễm qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng, từ 22,5% năm 2010 lên 74,5% vào năm 2019 và 72,6% vào tháng 10/2010; lây qua đường máu giảm từ 70,5% năm 2010 xuống 16,9% năm 2020.
Đáng chú ý, bà Lan cũng cho biết, một số nội dung liên quan đến truyền thông về bệnh HIV/AIDS trong bộ phim Lửa Ấm phát trên VTV1 đang "sai rất nghiêm trọng".
Cụ thể, theo bà Lan, trong cảnh phim một chiến sỹ Cảnh sát PCCC bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện và sau đó, bác sỹ nói anh đã bị phơi nhiễm HIV rồi.
"Đó là cách tuyên truyền sai bởi vì không phải cứ tiếp xúc với máu của người nhiễm là bị phơi nhiễm. Việc này dễ dẫn đến, tới đây, chẳng may có ai đó bị tai nạn giao thông thì ai dám cấp cứu người bị tai nạn...", bà Lan nói.
Thứ hai, theo bà Lan, việc xử lý phơi nhiễm HIV trong bộ phim tuyên truyền đã sai một cách nghiêm trọng.
"Theo cảnh trong phim, sau khi chìa ra kết quả của bệnh nhân dương tính với HIV thì các bác sĩ trao đổi với nhau và cho rằng, nữ bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân đã bị phơi nhiễm HIV rồi nên phải cách ly 2 ngày để phòng chống lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng.
Tất cả các bác sỹ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS của chúng tôi đều "dậy sóng" trước câu nói này.
Có lẽ do truyền thông dịch COVID-19 mạnh quá và COVID-19 phải cách ly 14 ngày còn HIV nhẹ hơn nên trong phim mới có yêu cầu cách ly 2 ngày như vậy. Thực sự chúng tôi rất buồn về việc này", bà Lan nêu.
Thứ 3, bà Lan nêu, trong cảnh phim người nhà của nữ bác sĩ trong phim rất hoảng hốt, tưởng chừng "phơi nhiễm HIV là chết đến nơi" và cô bác sĩ này cũng nhắn tin cho con "như lần cuối".
"Khi xem xong các tập này, mọi người có trêu tôi là bộ phim này tiếp tục chọc tức chị Lan. Cái sai rất nghiêm trọng từ việc xác định như thế nào phơi nhiễm, xử lý phơi nhiễm... Chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều về xử lý phơi nhiễm ngay từ khi có dịch HIV nhưng vẫn sai chuyên môn một cách nghiêm trọng. Đồng thời, phơi nhiễm HIV không chết và có nhiều trường hợp bị phơi nhiễm rất sâu như bác sĩ mổ bị xương của bệnh nhân nhiễm HIV cắt đứt tay hay người nghiện nhiễm HIV sau khi lấy máu, biết sẽ đi cai nghiện tập trung đã giật xi-lanh máu bơm ngược lại vào bác sĩ nhưng đều không bị nhiễm HIV.
Mới có phơi nhiễm đã hoảng hốt rồi cách ly 2 ngày... sẽ làm cho cộng đồng sợ HIV. Thực sự đó là sai rất nghiêm trọng mặc vấn đề đó rất phổ thông mà nhiều người nổi tiếng đóng như vậy lại không nắm được. Vấn đề này không cần các chuyên gia nhưng sai như vậy lại chiếu trên VTV1 vào giờ vàng, rất nhiều người xem nên chúng tôi thấy lo...", bà Lan nói thêm.
Liên quan đến câu hỏi về nhiều nhân viên y tế làm công tác phòng, chống HIV/AIDS thu nhập quá thấp, bà Lan chia sẻ, đây là chế độ chung của y tế cơ sở, như bác sĩ vừa ra trường lương được hơn 3 triệu/tháng, với điều dưỡng thì còn thấp hơn.
“Ở Hà Nội thì có nhiều lựa chọn, nhiều người không mặn mà với việc phòng chống HIV/AIDS. Nếu yêu nghề, rất rất yêu nghề thì mới có thể theo nghề, trụ lại với công việc này. Bởi tiếp xúc với người nghiện, người nhiễm HIV chẳng ai thích cả. Con tôi còn hỏi là tại sao mẹ không làm bác sĩ khác mà làm bác sĩ phòng chống HIV/AIDS. Vì nhiều người cảm thấy công việc này cũng chả có gì danh giá cả. Thu nhập lại thấp, trong khi người đi bán hàng thuê, làm online, shipper còn cao hơn nhiều”, bà Lan chia sẻ.
Theo Trường Phong / Tiền Phong