Nhiều trường hợp tái phẫu thuật
Phẫu thuật nâng ngực là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ bác sĩ đưa túi ngực vào khoang ngực, hiện nay thực hiện chủ yếu thông qua kỹ thuật nội soi đạt hiệu quả cao hơn, hạn chế được tối đa mất máu và rủi ro. Đây là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay giúp phụ nữ sở hữu vòng 1 căng đầy như mong muốn. Ngực sau khi nâng, thông thường luôn có lời cam kết bảo hành trọn đời, đồng nghĩa là kết quả phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực gần như là vĩnh viễn.
|
Ảnh minh họa |
Túi ngực dạng gel là dạng túi phổ biến nhất hiện nay, sản phẩm chất lượng có độ an toàn cao, bảo hành trọn đời và không rò rỉ. Tuy nhiên, với một phẫu thuật thẩm mỹ bất kỳ, độ an toàn, hiệu quả thực sự còn phụ thuộc vào kỹ thuật thực hiện, bàn tay của các bác sĩ và sự giữ gìn của bạn sau nâng ngực…
Thực tế vẫn có nhiều trường hợp phải tái thực hiện phẫu thuật sau một thời gian. Bên cạnh những yếu tố như chưa hài lòng với kích thước ngực hiện tại, hoặc 2 bên ngực chưa cân đối,…) việc tái phẫu thuật nâng ngực hay phải thay túi mới thường do 2 nguyên nhân.
Thứ nhất là do lựa chọn túi độn không phù hợp, đa phần là do sử dụng túi ngực size lớn, túi có khối lượng lớn sẽ dễ gây chảy xệ. Đa số phụ nữ sau khi nâng ngực đều tăng từ 600-900g tổng cân nặng của 2 túi ngực. Theo thời gian, phần ngực nếu quá to sẽ lại bắt đầu xệ xuống do tác dụng của trọng lực, nên cần phải thay túi để không bị chảy xệ nữa. Nguyên nhân thứ hai là do vỡ hoặc nứt túi độn gây rò rỉ silicon dạng gel từ trong túi độn, như trường hợp ca sĩ Ivy Trần bị nổ túi ngực. Trường hợp này nếu để lâu không được xử lý sẽ dễ dẫn đến tình trạng biến dạng ngực, viêm nhiễm, nhiễm trùng, hoại tử, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Cảnh giác với biến chứng
Trả lời trên báo Giao thông, TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, Nguyên chủ nhiệm Khoa phẫu thuật tạo hình, BV TƯ Quân đội 108, cũng cho hay hiện nay biến chứng của phẫu thuật nâng ngực có hai vấn đề chủ yếu. Đó là biến chứng ban đầu như tụ máu, nhiễm trùng... tuy nhiên nếu phẫu thuật thực hiện ở bệnh viện thì tỷ lệ biến chứng rất thấp.
Ngoài ra, có thể có biến chứng dài lâu sau phẫu thuật như sẹo và co bao. Đáng ngại nhất là hiện tượng co bao, đây là phản ứng của cơ thể với vật lạ, cơ thể sinh ra tổ chức bao bọc lấy nó. Túi silicon đưa vào cơ thể sẽ sinh ra bao mới bọc giữ túi bao đó, đa phần màng đó mỏng không vấn đề gì.
Nhưng tùy theo phản ứng của cơ thể với dị vật, ở một số người màng co bao dày lên gây đau cho bệnh nhân và làm cứng ngực. Tỷ lệ bị biến chứng này theo các nghiên cứu trên thế giới có thể lên đến 4 – 8 %. Nếu hiện tượng này xảy ra ở mức độ nhẹ thì bệnh nhân chỉ cần luyện tập, giúp bao bao do cơ thể tạo ra không bị dày lên và co cứng lại.
Tuy nhiên, một vấn đề là lớp màng bao sinh lý này cũng có thể bị nhiễm trùng, bệnh tật, miễn dịch kém sẽ chuyển thành bao xơ bệnh lý gây co thắt ngực rất nguy hiểm. Vì vậy, tốt nhất những người phẫu thuật đặt túi ngực nên định kỳ đi khám, kiểm tra tình trạng túi ngực để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ biến chứng.
An Lê (TH)