Theo bài công bố trên tạp chí khoa học PLOS One, nhóm nghiên cứu từ Đại học Mahidoln và Đại học Ubon Ratchatghani (Thái Lan) đã thí nghiệm để xác định tác động của củ nghệ lên các thông số chuyển hóa và đường huyết trong bệnh tiểu đường type 2 và hội chứng chuyển hóa nói chung.
Củ nghệ hứa hẹn giúp kiểm soát bệnh tiểu đường - Ảnh minh họa từ Internet
Các tác giả đã dùng nhiều dữ liệu và phân tích tổng hợp từ các thí nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, với tổng cộng 2.362 bệnh nhân. Kết quả cho thấy việc bổ sung củ nghệ bằng bất cứ hình thức nào, bao gồm toàn bộ chế phẩm từ thân rễ của nghệ và bột nghệ, chiết xuất curcumin..., đều giúp giảm đáng kể đường huyết lúc đói (FBG) và HbA1c - loại hemoglobin đặc biệt kết hợp giữa hemoglobin và đường glucose. Đây đều là những chỉ số quan trọng để chẩn đoán bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, các thành phần của củ nghệ đều giúp giảm đáng kể cholesterol xấu, cholesterol toàn phần, huyết áp tâm trương và kháng insulin - những yếu tố liên quan đến hội chứng chuyển hóa nói chung.
Nhờ tác dụng đến rất nhanh ngay sau khi bổ sung nghệ qua thức ăn, nước uống nên có thể nói gia vị này hiệu quả như một liều thuốc.
Theo News-Medical, điều trên giúp các tác giả khẳng định củ nghệ có lợi trong việc quản lý đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường và rối loạn chuyển hóa nói chung. Bước tiếp theo họ cần làm sẽ là đánh giá xem các tác dụng này có được duy trì trong thời gian dài hay không.
Ngoài ra, họ cũng sẽ thử nghiệm xem liệu người bệnh tiểu đường nặng bổ sung củ nghệ có giảm bớt nguy cơ biến chứng hay không.
Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm phương pháp hiệu quả, an toàn và rẻ tiền để đối phó với bệnh tiểu đường type 2, mà theo một khảo sát toàn cầu vào năm 2019 thì đã có 438 triệu người bị ảnh hưởng.
Sự gia tăng tiểu đường type 2 gần đây nổi bật ở các quốc gia đang phát phát triển, cũng là những nơi người dân ít có cơ hội tiếp cận đầy đủ với dịch vụ y tế để kiểm soát căn bệnh có thể gây suy giảm chất lượng sống, tàn tật và tử vong sớm này.
Theo Anh Thư/Người lao động