Nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Đại học Oxford, Anh, thực hiện và đăng tải trên medRxiv, đang chờ phản biện.
Theo Reuters, nhóm tác giả xem xét dữ liệu của gần 20.000 bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ. 50% trong số đó đã được tiêm chủng. Họ đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine COVID-19 trên 45 tình trạng sức khỏe, bệnh lý.
Kết quả cho thấy so với những F0 chưa được nhận vaccine COVID-19, người được tiêm đầy đủ, có ít nguy cơ tử vong và biến chứng nghiêm trọng như suy phổi, thở máy, hồi sức cấp cứu, hình thành cục máu đông thấp hơn. Đặc biệt, khác biệt rõ ràng nhất được ghi nhận ở những người dưới 60 tuổi.
Song, không phải tất cả vấn đề liên quan COVID-19 đều được giải quyết nhờ vaccine. Nghiên cứu viết người mắc COVID-19 sau khi tiêm chủng vẫn có nhiều nguy cơ gặp phải các di chứng kéo dài như rối loạn nhịp tim, đau khớp, tiểu đường type II, bệnh gan, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm trạng, lo âu.
|
Người mắc COVID-19 sau tiêm vaccine có nguy cơ gặp di chứng kéo dài như rối loạn nhịp tim, trầm cảm, lo âu, tiểu đường type II... Ảnh: Reuters.
|
Theo tạp chí Time, thống kê chưa đầy đủ ở đầu đại dịch cho thấy khoảng 10-30% người nhiễm nCoV có triệu chứng kéo dài từ nhẹ đến nặng sau khi khỏi bệnh. Nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki, Đại học Yale, cho biết giới chuyên gia không rõ tại sao điều này xảy ra, song, có hai giả thuyết là virus có thể kích hoạt phản ứng tự miễn dịch, khiến cơ thể tự tấn công; thứ hai là tàn dư của nCoV đôi khi còn tồn tại trong cơ thể và gây ra các triệu chứng kéo dài.
Đến nay, hội chứng hậu COVID-19 vẫn còn là vấn đề chưa thể giải thích. Nhiều người sau thời gian khỏi bệnh vẫn gặp nhiều vấn đề về thần kinh, tình trạng “sương mù não” khiến họ khó trở lại cuộc sống bình thường.
Nhóm tác giả tại Đại học Oxford nhận định vaccine không thể bảo vệ bệnh nhân khỏi các vấn đề sức khỏe liên quan hội chứng hậu COVID-19. Do đó, cách duy nhất để chúng ta tránh được điều này đó là tiêm chủng càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ nhiễm nCoV xuống mức thấp nhất.
Theo Thiên Nhan/Zingnews.vn