|
Con ốc mà cô H.T.S. ăn khiến sau đó cô tử vong là loài ốc bùn răng cưa, rất độc - Ảnh: Facebook. |
Liên quan đến cái chết của cô giáo H.T.S. (26 tuổi, giáo viên dạy tin học Trường THCS Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) nghi do ăn phải ốc lạ, sáng 12/7, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với chuyên gia của Viện Hải dương học (đóng tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để tìm hiểu.
Ăn 2-3 con, có thể chết sau 30 phút
TS Phạm Xuân Kỳ - trưởng Phòng hóa sinh biển thuộc Viện Hải dương học - cho biết qua hình ảnh mẫu ốc biển mà gia đình cô S. cung cấp cho bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, được đăng tải trên các báo, chuyên gia của viện nhận định đây là loài ốc bùn răng cưa, tên khoa học là Nassarius papillosus (Linaaeus, 1785).
Ông Kỳ cho biết ốc bùn răng cưa là loài ốc chứa độc tố tetrodotoxins. Hàm lượng độc tố thay đổi theo cá thể, nhiều cá thể chứa lượng độc rất lớn, người có trọng lượng 50kg chỉ cần ăn 2-3 con là bị ngộ độc có thể dẫn đến tử vong.
"Độc tố tetrodotoxins trong ốc bùn nếu đủ lượng ngộ độc thì nguy cơ gây tử vong cho người rất cao. Đây là độc tố thần kinh, gây liệt cơ hô hấp cực nhanh. Sau khi ngộ độc chừng 30 phút nạn nhân sẽ có triệu chứng khó thở, liệt cơ hô hấp. Hiện nay không có thuốc giải độc tố này" – ông Kỳ nói.
Theo ông Kỳ, các nghiên cứu khoa học ghi nhận những trường hợp ngộ độc ốc bùn răng cưa dẫn đến tử vong xảy ra tại Nhật Bản, Đài Loan.
Riêng Việt Nam từ năm 2006 đến nay đã xảy ra một số trường hợp ngộ độc nặng do họ ốc bùn chứa tetrodotoxins gây ra tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Đừng ăn ốc lạ!
Một chuyên gia khác ở Viện Hải dương học cho hay loại ốc bùn răng cưa không phân bố nhiều ở vùng biển Việt Nam, thỉnh thoảng ngư dân đi cào hải sản vớt được chúng lẫn lộn trong các loài hải sản khác.
Nhiều người nhầm tưởng cứ ốc sống dưới biển là có thể ăn được mà không thể ngờ nhiều loài rất độc.
TS Kỳ khẳng định: "Họ ốc bùn thì loại nào cũng độc. Còn những loài ốc khác, bản thân nó thời điểm này không độc, nhưng bất chợt có thời điểm khác lại độc. Hiện người ta nghi ngờ độc tố trong ốc sản sinh từ vi khuẩn cộng sinh theo từng thời điểm. Do vậy, ngoại trừ những loại ốc thường ăn an toàn, còn những loài ốc lạ, thấy nghi ngờ thì đừng ăn".
Theo người nhà cô H.T.S, cô ăn gần 2 con ốc biển nghi là ốc bùn răng cưa vào khoảng 17h chiều 10-7. Sau đó cô nôn mửa, tê miệng và chân tay, cứng cổ, nói khó, thở khò khè.
21h tối cùng ngày, cô được đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn cấp cứu thì tình trạng ngộ độc đã rất nặng, được chuyển lên tuyến trên nhưng tử vong trên đường.
"Đã có những trường hợp bị ngộ độc nặng do ăn ốc biển, nhưng được đưa đến bệnh viện kịp thời, người ta dùng than hoạt tính loại bớt độc tố, hỗ trợ hô hấp thì được cứu thoát. Tôi đọc báo thấy trường hợp cô S. có bị ngộ độc mấy tiếng đồng hồ nhưng không đưa đi viện mà ở nhà tự mua thuốc uống nên có thể khi đến bệnh viện đã quá trễ" – TS. Kỳ nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, BS Nguyễn Phan Anh Ngọc – trưởng khoa hồi sức cấp cứu nội Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định – tư vấn: trong trường hợp có người bị ngộ độc thức ăn, trong đó có ngộ độc hải sản, nếu có triệu chứng nặng thì nhanh chóng đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, đồng thời cần mang theo mẫu vật nghi gây ngộ độc để bác sĩ biết, từ đó có y lệnh xử lý chính xác, hiệu quả.
"Nếu bệnh nhân đau bụng, ói nhiều thì cũng không được tự ý mua thuốc uống mà phải đi viện ngay. Trường hợp liệt cơ hô hấp thì cơ sở y tế sẽ mở nội khí quản, hỗ trợ thở để cấp cứu. Nếu chuyển viện thì cần có bác sĩ đi theo bởi những trường hợp nặng như vậy y tá không đủ sức để xử trí trên đường chuyển viện" – ông Ngọc nói.
Theo Duy Thanh/Tuổi trẻ