Trước đây, tôi thường nấu lá chè xanh uống hằng ngày nhưng có hiện tượng say. Khoảng 1 năm nay, tôi chuyển sang uống nước vối. Thưa chuyên gia, nước vối và trà loại nào tốt hơn? (Nguyễn Thị Minh - Hà Đông, Hà Nội)
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội tư vấn:
Cây vối được người dân trồng để lấy lá, nụ, vỏ thân cây nấu nước uống hằng ngày tốt cho sức khỏe. Hiện có hai loại vối rừng và vối nhà, công dụng giống nhau, tốt cho sức khỏe.
Trong lá vối có saponin, rất ít tanin, 4% tinh dầu bay hơi, mùi thơm dễ chịu. Các bộ phận khác của cây còn chứa các sterol, chất béo, tanin catechic và gallic. Lá và nụ chứa axit triterpenic.
Nhiều nghiên cứu cho thấy lá và nụ vối có tính kháng sinh đối với một số vi trùng Gram+ và Gram- ở tất cả giai đoạn phát triển. Chất kháng sinh thường tập trung cao nhất ở lá vào mùa đông. Cây vối hoàn toàn không có độc đối với cơ thể người.
|
Nước vối có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Ảnh: Thuocdantoc |
Trong Đông y, vối là một vị thuốc trị bệnh. Các bộ phận của cây có vị đắng, chát, thơm, tính bình chủ trị vào kinh tỳ, vị, đại tràng. Tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, sát trùng, hạ khí, tiêu đờm. Lá và nụ vối từ lâu đã được người dân nấu nước để uống vừa thơm, vừa tiêu thực, kích thích tiêu hóa, tán thũng, chỉ huyết, sinh cơ. Lá vối tươi hay khô sắc đặc có tính chất sát trùng để rửa mụn nhọt, lở loét, ghẻ, ngứa.
Người bị chướng bụng, nôn mửa, viêm đường ruột (viêm đại tràng mạn), viêm họng, bệnh ngoài da, vết thương do cháy bỏng, xuất huyết, trùng độc cắn, rắn cắn dùng vối rất tốt.
Trong các bộ phận của cây vối, lá được dùng nhiều nhất. Hằng ngày, bạn nấu nước lá vối uống có tác dụng bình ổn đường huyết, hạn chế đường huyết tăng. Lá vối còn chống oxy hóa, bảo vệ tế bào beta tụy, phòng đục thủy tinh thể, hỗ trợ giảm mỡ máu, gout. Lá vối giúp bạn tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng, bảo vệ niêm mạc ruột, giải độc gan hiệu quả, ngăn ngừa gan nhiễm mỡ.
Lá vối dùng tươi hoặc phơi khô. Lá tươi dùng 5-7 lá/ngày, cho vào nấu nước sôi như trà. Lá vối phơi khô cần bảo quản thật tốt, tránh ẩm mốc. Tránh để dược liệu ở những nơi có nhiều sâu bọ và côn trùng hoặc nhiệt độ quá cao. Dùng 7-8g/ngày.
Tác dụng của nước trà và vối không khác nhau nhiều. Việc sử dụng thức uống nào do sở thích của mỗi người. Cả hai đều thanh nhiệt, giải độc, tăng cường chức năng gan, làm chậm quá trình oxy hóa, ngăn bệnh tim mạch, ung thư.
Lá chè chứa tanin cao hơn và caffeine kích thích nhẹ thần kinh trung ương, hệ hô hấp, tim mạch, tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu, kích thích hoạt động của thận và tăng cường sự lưu thông máu.
Một số người có hiện tượng say khi uống trà lúc đói do thành phần catechin, theanine và caffein trong trà.
Ngoài ra, nước trà khiến bạn mất ngủ do chứa caffeine giúp tỉnh táo, tập trung. Ngược lại, khi uống nước vối, bạn không có hiện tượng say và mất ngủ nhờ tác dụng làm dịu và giảm căng thẳng, giúp thư giãn của nước vối.
Lưu ý, không nên uống nhiều nước vối sau ăn khiến dưỡng chất bị pha loãng. Nếu bạn mất ngủ, không nên uống nước vối quá mức gây tình trạng nhuận tràng, tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt. Không uống nước vối thay nước lọc, để qua đêm.
Theo Phương Thúy/Vietnamnet