Có một cách rất đơn giản để giải quyết lấn cấn này cho các bà nội trợ, chỉ với một bước chuẩn bị đơn giản, đó chính là ngâm thịt với nước muối. Với cách này dù là thịt heo, sườn heo, bò, gà, vịt… đều có thể dùng được, thịt nướng sau khi chế biến rất mềm thơm, đậm đà, giòn khô bên ngoài nhưng cắn vào miếng thịt lại rất mượt và ẩm.
Được biết cách ngâm thịt vào nước muối đậm đặc ngày xưa được những người đi biển dài ngày dùng để bảo quản thịt cá luôn giữ được hương vị tươi nhất. Và giờ đây, các bà nội trợ lại có dịp để áp dụng bí quyết này để chế biến những món chiên, nướng tuyệt ngon cho cả nhà.
Tỉ lệ pha dung dịch nước muối là 270 gram muối tinh với khoảng 3,5 lít nước. Dùng một chiếc nồi nhỏ, nấu một ít nước cho sôi lên để hòa tan hết lượng muối cần thiết vào. Nếu bạn muốn vị thịt dịu hơn thì thêm một chút đường.
Ngoài ra cũng có thể thêm các loại gia vị khác để tăng thêm hương vị cho món ăn của bạn, tùy theo khẩu vị của gia đình như hành, tỏi, sả, hồi, quế, tiêu hoặc nước hoa quả, trái cây xắt nhỏ… Nhưng khi muốn thêm giấm hay các loại trái cây có tính axit vào dung dịch này, bạn cần tiết chế lại vì nó có thể khiến cho thịt nát nhừ luôn đấy.
Để kiểm tra nước có đủ độ muối chưa, người ta thường dùng một quả trứng tươi thả vào, nếu trứng nổi trên nước là đạt.
Bạn cũng cần nhớ phải đợi sau khi dung dịch nước ngâm nguội hoàn toàn mới cho thịt vào ướp nhé. Tùy vào lượng thịt ít hay nhiều mà bạn hãy cân đối lượng nước muối sao cho vừa đủ đổ ngập miếng thịt hoàn toàn trong nước là được. Bạn cũng cần dùng thêm một vật nặng để chèn thịt xuống, tránh bị nổi lên mặt thì ướp nước muối mới thấm đều.
Vì nước muối cần thời gian để ngấm đủ vào thịt thì thịt mới đạt được độ mềm mượt như ý, chính vì thế lúc nào bạn cũng phải chuẩn bị ngâm thịt sẵn từ hôm trước. Với cả nguyên con gà, vịt hoặc những tảng thịt to, bạn cần ngâm trước ít nhất 12-24 tiếng. Nếu như miếng thịt mỏng, số lượng ít, bạn chỉ cần ngâm khoảng 3-5 tiếng trước khi chế biến là được.
Ngoài ra gà, vịt sau khi lấy ra khỏi nước muối, bạn hãy bọc lại và bỏ vào tủ lạnh vài tiếng cho da khô và se lại, thì sau khi chế biến phần da này sẽ vàng ươm và giòn rụm. Bạn làm quen tay nhiều lần sẽ canh được thời gian ngâm vừa đủ theo khẩu vị của mình, đừng ngâm thịt lâu quá sẽ rất mặn.
Thịt sau khi lấy ra khỏi dung dịch bạn chỉ cần cho vào rổ cho ráo nước một chút là có thể chiên, nướng được rồi, không cần rửa lại. Bảo đảm sau khi chế biến, miếng thịt nào cũng ngon, đậm đà gia vị, không sợ bị teo tóp và khô mà vẫn giữ được độ mềm ẩm rất tuyệt vời.
Ngoài ra, còn có 1 số cách làm mềm thịt sau:
Đu đủ
Khả năng làm mềm thịt của đu đủ là nhờ vào chất enzyme có tên gọi là papain. Đây là chất có khả năng phá vỡ các protein thông qua việc bổ sung phân tử nước. Chất papain tập trung nhiều nhất ở lớp vỏ màu xanh của trái đu đủ xanh. Do đó, bạn chỉ cần sử dụng lớp vỏ xanh này. Cứ mỗi 2 muỗng canh vỏ đu đủ xanh xắt nhỏ, bạn cho thêm ¼ muỗng canh muối và nghiền hỗn hợp này thành bột nhão rồi trộn chúng vào phần thịt bị cứng. Chỉ vài phút sau, miếng thịt sẽ mềm mại trở lại.
Bạn cũng có thể bảo quản hỗn hợp vỏ đu đủ và muối này trong ngăn mát của tủ lạnh để dành cho những lần sau.
Giấm
Nếu dùng thịt để nấu các món súp hoặc món hầm, bạn có thể cho thêm một muỗng canh giấm vào nước dùng trước khi cho thịt vào nồi. Giấm giúp thịt mềm hơn. Đối với món thịt nướng, hãy cho thêm một muỗng canh giấm vào nước ướp thịt trước khi nướng. Món ăn sẽ có mùi thơm và vị chua của giấm nhưng chắc chắn miếng thịt sẽ mềm và dễ ăn hơn.
Thơm
Trong thơm có chứa một loại enzyme là bromelain, là một trong những chất có khả năng làm mềm thịt. Nhờ vào enzyme (nhóm enzyme thủy phân, được sử dụng khá nhiều trong ngành chế biến thực phẩm), các thớ thịt trở nên mềm mại hơn. Để làm mềm thịt, bạn chỉ cần cho một ít lá hoặc phần cuống thơm vào nồi và nấu chung với món ăn. Đối với các món không có nước, bạn xay nhuyễn một ít thơm, vắt lấy nước và ướp vào thịt.
Theo NĐT