Lượng nước chúng ta uống vào mỗi ngày là rất lớn, chính vì thế công việc thanh lọc của thận cũng dễ dàng bị quá tải. Ngoài việc đối mặt với các căn bệnh nan y, quả thận của chúng ta cũng có nguy cơ vướng phải các chứng bệnh nguy hiểm do thay đổi từ thực phẩm cũng như nguồn nước. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy quả thận của bạn đang "kêu cứu":
Nước tiểu có màu trắng đục như nước vo gạo
Nước tiểu có màu trắng đục như sữa hoặc nước vo gạo, để lâu sẽ sánh lại như nước cơm, có váng nổi lên phía trên và một lúc lâu sau lại đông như rau câu. Qúa trình này diễn ra thành nhiều đợt khác nhau và không liên tục vì thế bệnh nhân thường lơ là, không đi thăm khám bác sĩ. Các bác sĩ tiết niệu cảnh báo, đó là biểu hiện của hội chứng đái dưỡng chấp đơn thuần.
Khi mắc phải hội chứng này, bạn cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra định tính, định lượng dưỡng chấp, xác định rõ nguyên nhân gây đái dưỡng chấp (do biến chứng giun chỉ hay do chấn thương thận). Các bác sĩ cũng nhận định, hiện tượng này xảy ra từng đợt và không liên tục, có khi hết hẳn trong thời kì dài. Nước tiểu có màu trắng đục thường xuất hiện rõ nhất sau những bữa ăn nhiều sữa, trứng, thịt… sau mỗi đợt lao động vất vả và thời tiết oi bức. Nếu mắc hội chứng này, bạn nên hạn chế thịt, sữa, trứng... nên uống nhiều nước và bổ sung trái cây tươi.
Hiện tượng đi tiểu ra protein
Đây là biểu hiện bệnh lý ở thận như hội chứng thận hư, viêm cầu thận, tăng huyết áp, suy tim, suy thận; bệnh đa u tủy xương, bệnh ung thư… Nếu phụ nữ có thai đi tiểu ra protein có kèm tăng huyết áp và phù thường là có khả năng nhiễm độc thai nghén.
Bác sĩ Akira Wu tại Bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore) cho biết tình trạng rò rỉ protein cho thấy các bộ lọc trong thận, vốn có tác dụng loại bỏ chất thải và nước khỏi cơ thể, bị tổn hại. Những người có bệnh tiểu đường, cao huyết áp khó kiểm soát hoặc béo phì nặng dễ có nguy cơ bị hội chứng protein niệu. Bác sĩ Akira Wu cho biết hầu hết những người bị protein niệu thường không có bất cứ triệu chứng nào. Nó chỉ được phát hiện khi người bệnh có các kỳ kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Nếu lượng lớn protein bị mất qua nước tiểu, mức protein trong máu - gọi là albumin - sẽ giảm mạnh, dẫn đến một tình trạng nghiêm trọng được gọi là hội chứng thận hư. Khi điều này xảy ra, cơ thể sẽ giữ nước dưới các hình thức như chân sưng phồng, mệt mỏi và chán ăn. Đôi khi, những cục máu đông có thể hình thành trong bắp chân và phổi, gây tử vong nếu không được phát hiện sớm.
Nước tiểu có nhiều bọt
Khi đi tiểu, nếu thấy nước tiểu có quá nhiều bọt, đặc biệt là bọt lâu tan thì chứng tỏ trong nước tiểu có quá nhiều protein. Điều này chứng tỏ chức năng thận đã bị rối loạn. Khi các chức năng của thận không hoạt động hoàn thiện, nó sẽ không thể lọc hết protein trong nước tiểu. Do đó protein sẽ tạo lớp bọt khi gặp nước trong bồn cầu. Nước tiểu có bọt là biểu hiện đầu của một quả thận "hư" và chỉ một thời gian ngắn sau đó, thận sẽ bị nhiễm độc tố do rối loạn chức năng. Đến lúc này, thận sẽ bị hoại tử và hỏng hoàn toàn mà không gì cứu vãn được.
Có khí bay ra từ nước tiểu
Hiện tượng này xảy vào bất kể thời điểm nào trong ngày nhưng rõ nhất là vào sáng sớm. Khi ấy nước tiểu của bạn có một màn khí bay ra như sương mờ màu trắng đục thấy khá rõ kèm theo mùi lạ, cũng có khi là mùi rất hăng và hắc. Điều đó có nghĩa vi khuẩn trong thận có thể đã sinh ra khí, được giải phóng khi bạn đi tiểu.
Nếu bạn có dấu hiệu bị nhiễm trùng đường tiểu (UTI), thì quả thận cũng có những phản ứng tương tự do vi khuẩn và mùi hôi đi theo nước tiểu ra ngoài. Cũng có thể bạn bị rò đường tiểu, lỗ thủng bị viêm trong thận hay giữa thận và trực tràng. Bạn cũng có nguy cơ bị rò đường tiết niệu nếu có tiểu sử bệnh Croln hay bệnh viêm ruột. Những hiện tượng này cho thấy quả thận đã bị viêm hoặc đang bị tàn phá nghiêm trọng từ bên trong. Nếu không có các giải pháp kịp thời, thận sẽ bị viêm nặng và hoại tử toàn phần đến mức không thể chạy chữa.
Nước tiểu mà có màu hoặc mùi lạ thì đừng xem thường bạn nhé!
Nếu bạn thấy cơ thể có những triệu chứng đáng ngại trên, hãy đến bệnh viện để kiểm tra và có biện pháp điều trị tích cực trước khi bệnh chuyển sang những giai đoạn nghiêm trọng hơn.
Theo Huy Khôi/Thethaovanhoa