Nước sông Đà, sông Đuống của Shark Liên: Dân Hà Nội chọn mặt gửi vàng như nào?

Google News

(Kiến Thức) -  Trước nỗi lo về vụ việc nước sinh hoạt từ nguồn Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà nhiễm dầu bẩn, nhiều người đặt câu hỏi lo ngại vê chất lượng nước mặt sông Đà cũng như nước sông Đuống của Shark Liên…   

Nhiều ngày qua bê bối về nước sạch Hà Nội bốc mùi lạ do nguồn nước từ Nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu bẩn khiến người dân nhiều khu vực ở Hà Nội điêu đứng vì thiếu nước ăn. Người dân lo ngại đặt câu hỏi việc Nhà máy nước sông Đà, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, cũng như Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống của Shark Liên sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống, liệu có đảm bảo an toàn chất lượng nguồn nước?
Nuoc song Da, song Duong cua Shark Lien: Dan Ha Noi chon mat gui vang nhu nao?
 Người dân Hà Nội xếp hàng thâu đêm để chờ lấy nước sạch sau khi nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng - Phó tổng Giám đốc Kỹ thuật công nghệ Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống, Nhà máy nước mặt sông Đuống sử dụng nguồn nước mặt từ sông Đuống. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng, lấy nguồn nước sông Đuống để xử lý cung cấp cho người dân thủ đô đã được nghiên cứu, phân tích kỹ qua các số lần lấy mẫu, quan trắc chất lượng nước, biến đổi dòng nước trong gần 200 năm trở lại đây của Cục Khí tượng và Thủy Văn và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Ông Phạm Mạnh Hùng cũng cho biết trong quá trình thực hiện Dự án, đơn vị tư vấn cũng nhiều lần lấy mẫu, xét nghiệm, các chỉ tiêu nguồn nước sông Đuống đều đạt giá trị giới hạn A1 đủ điều kiện để dùng cho mục đích sinh hoạt theo tiêu chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố Hà Nội cũng có biện pháp để bảo vệ nguồn nước mặt sông Đuống vì đây là nguồn tài nguyên quý giá, lựa chọn thay thế cho nguồn nước ngầm ngày một ô nhiễm, suy thoái về trữ lượng.
Tuy nhiên, một chuyên gia về công nghệ nước và môi trường lại cho rằng về độ an toàn chất lượng nước cần phải được xem xét kỹ. Bởi lẽ nước sông Hồng nhiều đoạn bị ô nhiễm nặng từ thượng lưu chảy xuống, khiến nước có màu đỏ rực. Kết quả khảo sát lấy mẫu phân tích chất lượng nước sông Hồng và sông Đuống do Sở TNMT lập cho thấy, trên tổng số chiều dài 127km sông Hồng chạy qua địa phận Hà Nội thì có nhiều đoạn nước sông Hồng, sông Đuống đã bị ô nhiễm nặng.
Đối với nguồn nước mặt sông Đà, theo thông tin từ Ban Quản lý qui hoạch lưu vực sông Hồng – Thái Bình (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn) tài liệu đo đạc về chất lượng nước ở Việt nam nhìn chung còn quá ít để đánh giá đúng tình hình chất lượng nước trên toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, qua số liệu đo đạc trên tiểu lưu vực sông Đà ở những nơi có số liệu cho thấy nước sông Đà thuộc loại mềm, hàm lượng các chất hữu cơ nhìn chung thấp, các yếu tố vị lượng nhỏ, một số yếu tố cơ bản như pH, ô xy hoà tan trong giới hạn cho phép, có thể nói chất lượng nước sông Đà còn tốt song xu thế đang theo chiều giảm dần đáng lưu ý là các khu đô thị.
Nuoc song Da, song Duong cua Shark Lien: Dan Ha Noi chon mat gui vang nhu nao?-Hinh-2
 Nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm nặng
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Lâm nghiệp, đăng trên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường tháng 5/2018, thì các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường nước mặt sông Đà tại khu vực nghiên cứu là đoạn chảy qua TP Hòa Bình, gồm có nước thải công nghiệp, nước thải y tế, nước thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt 2 bờ sông Đà.
Kết quả nghiên cứu đánh giá chất lượng nước sông Đà đoạn chảy qua TP Hòa Bình cho thấy, tại điểm quan trắc lòng hồ Hòa Bình và cầu Cứng chất lượng nước nhìn chung đảm bảo yêu cầu cung cấp nước sinh hoạt nhưng cần xử lý. Điểm quan trắc cầu Đen, cảng Bến Ngọc hầu hết các chỉ tiêu đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép QCVN 08-MT:2015/BTNMT từ 1- 10 lần.
Chỉ số WQI (Water Quality Index, theo hướng dẫn của Bộ TNMT, 2011) tại điểm quan trắc cầu Đen thể hiện bằng màu đỏ trong thời gian dài, nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai. Chỉ số WQI tại cảng Bến Ngọc thể hiện bằng màu vàng trong hầu hết thời gian quan trắc, chất lượng nước thấp chỉ phù hợp với mục đích tưới tiêu. Những điểm quan trắc còn lại đều nằm trong giới hạn cho phép có chỉ số WQI tương đối cao và ổn định, thể hiện bằng màu xanh da trời, phù hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.
Với những thông tin chất lượng nguồn nước mặt sông Đà và sông Đuống “tệ” thế này, việc người dân hoang mang lo lắng về nguy cơ bị “đầu độc” cũng là điều dễ hiểu. Chỉ biết trông chờ vào công nghệ xử lý cũng như lương tâm, trách nhiệm của các đơn vị xử lý, cung cấp nước…
An Lê