Nước mắt nhân tạo - Sử dụng thế nào cho an toàn?

Google News

Một trong những biện pháp quan trọng và thông dụng nhất là để điều trị khô mắt là sử dụng các chế phẩm nước mắt nhân tạo.

Khô mắt là hiện tượng rối loạn màng phim nước mắt do giảm sự chế tiết nước mắt hoặc do sự bốc hơi quá mức của nước mắt gây tổn hại bề mặt nhãn cầu và tạo ra một số dấu hiệu khó chịu như có cảm giác khó chịu, rát bỏng, có dị vật trong mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ… Đối tượng có nguy cơ cao bị khô mắt là nhân viên văn phòng (do sử dụng thường xuyên máy tính), người già, phụ nữ tiền mãn kinh, người đeo kính tiếp xúc, người đã mổ Lasik điều trị tật khúc xạ…
Thế nào là nước mắt nhân tạo?
Nước mắt tự nhiên của người gồm nước, chất điện giải, carbohydrat, lipid, protein mà một số protein có chức năng enzym. Protein chính của nước mắt gồm lyzozym (một enzym phá vỡ cấu trúc màng tế bào vi khuẩn), lactoferin (kìm khuẩn), kháng thể kích thích IgA… Vai trò của nước mắt tự nhiên là làm sạch bề mặt nhãn cầu, có tác dụng diệt khuẩn, đảm bảo giác mạc trong, duy trì chức năng thị giác.
Không nên dùng nước mắt nhân tạo có chất bảo quản kéo dài. 
Nước mắt nhân tạo là chế phẩm thay thế một phần của nước mắt tự nhiên, với thành phần chính là hydrogel là chất có tác dụng giữ ẩm và bôi trơn bề mặt nhãn cầu. Ngoài ra, trong nước mắt nhân tạo còn có các thành phần khác như chất bảo quản, chất tạo hệ đệm, chất làm tăng thời gian lưu trữ trên bề mặt nhãn cầu, tăng độ nhầy, glycerin, muối magie, muối kẽm, muối borat, chất kháng khuẩn nhẹ… Tuy gọi là nước mắt nhân tạo nhưng đến nay chưa thật sự có chế phẩm nào giống như nước mắt tự nhiên. Vì vậy, nhóm thuốc nước mắt nhân tạo còn được gọi là các thuốc bôi trơn bề mặt nhãn cầu. Bao gồm:
Hydrogel
Là thành phần chính để tăng độ nhầy, khiến nước mắt nhân tạo lưu trữ lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu. Với bản chất là polymer, hydrogel hút nước, giữ nước và duy trì độ ẩm trên bề mặt nhãn cầu, tránh tình trạng khô mắt. Ngoài ra, hydrogel còn có tác dụng thúc đẩy quá trình lành vết thương biểu mô giác mạc và phòng ngừa bệnh khô giác mạc. Một số hydrogel thường gặp là: Hydroxypropyl methylcellulose (HPMC), carboxymethylcellulose (CMC), polyethylene glycol, hyaluronic acid, carbomer, glycerin…
Chất bảo quản (preservative)
Chất bảo quản là chất để bảo vệ dược chất không bị nhiễm các vi sinh vật sau khi mở nắp lọ thuốc. Nếu nhỏ mắt kéo dài, chất bảo quản có thể gây tổn thương các tế bào ở bề mặt nhãn cầu, gây khô mắt. Xét theo chất bảo quản, nước mắt nhân tạo có 3 loại: Nước mắt nhân tạo có chất bảo quản, nước mắt nhân tạo có chất bảo quản có thể tự phân hủy thành các chất không độc với bề mặt nhãn cầu khi nhỏ vào mắt và nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản.
Các chất bảo quản thường gặp trong nước mắt nhân tạo là:
Benzalkonium chloride (BAC) 0,005% - 0,01%: Là chất bảo quản rất thông dụng, cơ chế diệt khuẩn là phá vỡ màng tế bào vi khuẩn và kết tủa men tế bào tương. Tuy nhiên, BAC phá vỡ biểu mô giác mạc, tăng tính thấm giác mạc nên nếu dùng kéo dài sẽ gây tích luỹ BAC trên bề mặt nhãn cầu, phá vỡ cấu trúc lipid và làm mất tính bền vững của màng phim nước mắt. Đặc biệt, bệnh nhân glôcôm có sự giảm chế tiết nước mắt cơ bản, cần tra thuốc suốt đời thì những chế phẩm nước mắt nhân tạo chứa BAC lại gây ra khô mắt.
Cetrimonium chloride: Có tác dụng sát khuẩn tốt, tuy nhiên chất này gây sừng hoá, thẩm lậu viêm vùng rìa và giữa biểu mô, nhu mô kết mạc.
Thế hệ mới chất bảo quản là genaqua (sodium perborate), purite, polyquad (Polyquaternium -1): Đặc điểm của chất bảo quản thế hệ mới là ít gây hại trên bề mặt nhãn cầu, phân tách thành nước và ôxy hoặc phức hợp ion có sẵn trong phim nước mắt.
Một số thành phần khác:
Thành phần kết dính sinh học, ví dụ HP Guar (Hydroxypropyl guar) với tác dụng tăng độ nhầy của nước mắt; tăng thời gian lưu trữ trên bề mặt nhãn cầu…
Muối lactat, borat, kali, calci, magiê, natri, kẽm, glycerin… để tạo hệ đệm và cũng là những thành phần có trong nước mắt tự nhiên.
Lưu ý khi sử dụng
Danh mục thuốc không kê đơn do Bộ Y tế ban hành quy định phần lớn các loại nước mắt nhân tạo đều không cần kê đơn, tức là người bệnh có thể tự mua thuốc tại các cửa hàng dược phẩm. Nếu cần dùng thuốc trong thời gian ngắn thì có thể dùng loại nước mắt nhân tạo có chất bảo quản. Nếu dùng thuốc kéo dài và có điều kiện kinh tế thì nên dùng các nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản để không bị các tác dụng phụ của chất bảo quản có trong thuốc như đã nêu trên. Trên nhiều bệnh nhân, độ nhày chế phẩm nước mắt nhân tạo càng cao thì cũng có tác dụng phụ là làm mờ mắt, dính mắt lâu hơn giống như khi dùng thuốc mỡ. Tác dụng phụ có thể gặp của các loại nước mắt nhân tạo là kích ứng mắt, ngứa mi mắt, sung huyết kết mạc, viêm bờ mi, có cảm giác nóng bỏng thoáng qua, dính bờ mi...
Về liều dùng, dạng nước tra từ 4 - 10 lần, dạng mỡ từ 2 - 3 lần, liều dùng và quá trình điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, đáp ứng điều trị và mức độ khô mắt. Khi sử dụng thuốc, không được để đầu lọ chạm vào bất cứ bề mặt nào để tránh nhiễm bẩn và đậy nắp lại ngay sau khi dùng. Ngừng dùng ngay nếu quan sát thấy thuốc bị đổi màu hoặc trở nên vẩn đục.
Khô mắt do nhiều nguyên nhân gây ra, những dấu hiệu khô mắt thường giống một số bệnh lý khác như viêm kết mạc, giác mạc…; điều trị khô mắt là một quá trình lâu dài, thậm chí cả đời; dùng nước mắt nhân tạo nếu có chỉ là một thuốc trong phác đồ điều trị. Vì vậy, mặc dù nước mắt nhân tạo phần lớn là những chế phẩm không cần kê đơn, nhưng người bệnh không được chủ quan, không nên tự ý dùng thuốc mà cần đến các cơ sở y tế nhãn khoa có uy tín để được chẩn đoán đúng bệnh và tái khám sau mỗi đợt điều trị.
Theo ThS.DS. Vũ Hồng Minh/SKĐS