Khi đội bơi nữ Trung Quốc tuột mất huy chương ở nội dung bơi tiếp sức tại Olympic, các phóng viên tìm tới kình ngư Phó Viên Huệ nhưng không ai thấy cô đâu.
Một ký giả tinh ý phát hiện Phó gập mình sau tấm bảng vì đau đớn. Khi cô này tiến tới phỏng vấn, Phó trả lời: “Tôi bơi không tốt lần này. Kỳ kinh nguyệt của tôi bắt đầu từ hôm qua nên tôi thực sự rất mệt”.
Chia sẻ này của nữ kình ngư Trung Quốc khiến nhiều người bắt đầu thắc mắc về việc các nữ VĐV xử trí ra sao nếu kỳ đèn đỏ tới đúng ngày thi đấu.
Giống như bao phụ nữ khác, các nữ VĐV thường cảm thấy mệt mỏi vào chu kỳ kinh nguyệt. Một số thấy đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, choáng váng.
1.800 nữ VĐV tham gia nghiên cứu của Nhóm Sức khỏe Vận động viên Nữ, dự án hợp tác giữa Đại học St Mary's University và trường University College London nói họ cảm thấy chu kỳ ảnh hưởng tới thành tích của mình.
Georgie Bruinvels, một nhà nghiên cứu khoa học thể thao, tin rằng vào chu kỳ, các nữ VĐV thường mất nhiều máu dẫn tới tình trạng thiếu sắt.
Trong khi đó, John Brewer, Giáo sư của ngành Khoa học thể thao tại Đại học St Mary’s, cho biết các nữ VĐV dễ bị chấn thương vào chu kỳ kinh nguyệt.
“Các nữ VĐV dễ dính chấn thương vì lượng oestrogen đạt mức cao nhất trong lúc rụng trứng. Điều này khiến các gân và dây chằng trở nên lỏng lẻo và dễ gây chấn thương”, ông phân tích.
Sự sụt giảm rõ ràng về thể trạng thi đấu khiến nhiều nữ VĐV tìm cách dời ngày “đến tháng”.
|
Kình ngư Phó Viên Huệ. |
“Các nữ cầu thủ như chúng tôi thường chọn uống thuốc nếu tránh chu kỳ trong các giải đấu lớn”, nữ tuyển thủ Sue Smith của tuyển Anh chia sẻ. Thứ thuốc mà Smith đề cập tới là thuốc tránh thai.
“Sử dụng thuốc, bạn có thể kiểm soát được chu kỳ và đó là điều tôi làm trong quá khứ khi tôi tham gia các giải đấu lớn”, Kate Walsh, nữ VĐV tuyển khúc côn cầu trên cỏ ở Anh chia sẻ.
Một số khác chọn sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt. Khi biết chu kỳ của Jessica Judd, nữ vận động vận động viên chạy cự li, rơi đúng vào Giải chạy Vô địch thế giới ở Moscow năm 2013, các bác sĩ cho cô uống norethisterone, một loại thuốc trì hoãn kinh nguyệt.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc đôi khi sẽ có những tác dụng phụ. Điều đó khiến nhiều VĐV chọn để “cơn ác mộng” tự đến và đối mặt.
Nhưng vào những ngày đèn đỏ này, họ sử dụng tampon, một loại băng vệ sinh dạng ống. Tampon được đưa vào trong âm đạo và thấm hút máu kinh trong đó, không để kinh nguyệt chảy ra ngoài.
Tuy nhiên, loại băng vệ sinh này đôi khi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại. Trong trường hợp quên không lấy hoặc thay ra, người dùng có thể bị nhiễm độc. Mặc dù vậy, các bác sĩ vẫn khẳng định tampons tương đối an toàn và chỉ gây ra vấn đề khi chúng không được sử dụng đúng cách.
Đa số nữ VĐV đều rất e ngại nếu thi đấu vào thời điểm đến tháng, nhưng cũng có những người không mấy quan tâm tới “người chị em” này.
Tay vợt Anne Keothavong chia sẻ một số giải đấu kéo dài nhiều tuần liền nên cô tập chung sống với kỳ kinh nguyệt.
Paula Radcliffe bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt đúng vào ngày cô thi đấu tạo giải chạy Chicago Marathon.
“Tôi cố vứt nó ra khỏi đầu và không để nó trở thành vật cản tâm lý. Nó là một trong những thứ có thể trở thành vấn đề lớn nếu ta suy nghĩ quá nhiều”, nữ VĐV chạy đường dài người Anh chia sẻ.
Tâm lý thoải mái này giúp cô giành phá vỡ kỷ lục thể giới vào giải đấu này dù 1/3 cuối chặng đua Paula cảm thấy không được khỏe như bình thường.
Theo Ngân Hà/Zing News