NSND Thế Anh vừa trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện vào 5h30 sáng 29/9. NSND Thế Anh qua đời sau khi lên cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 81 tuổi.
Bà Thu Hằng - vợ của NSND Thế Anh- cho biết ông nhập viện vì bệnh tai biến hơn 4 tháng nay. Dù đã được các bác sĩ ra sức cứu chữa nhưng ông không qua khỏi.
Nhận biết và phát hiện ra những triệu chứng không điển hình là cách duy nhất giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời, bảo toàn sức khỏe sau nhồi máu cơ tim. Để nhận biết sớm, người bệnh có thể căn cứ vào các dấu hiệu nhồi máu cơ tim sau đây:
Nhận biết sớm dấu hiệu nhồi máu cơ tim để cấp cứu kịp thời.
Cảm giác nóng ran ở ngực
Thỉnh thoảng có cảm giác nóng ran ở ngực, bị chèn ép ở ngực gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi. Đôi khi có thể nhầm lẫn với sự lo âu, những căng thẳng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng cảm giác này lặp đi lặp lại mỗi ngày, trong trường hợp như vậy nên đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
Ở nam giới, cảm giác căng tức thường bắt đầu ở ngực trước khi lan đến cánh tay, nhưng ở phụ nữ cơn đau thường khu trú hơn ở ngực và tương tự như cơn đau thắt ngực.
Đau nhói ở phần trên của cơ thể: cổ, lưng, xương hàm…
Dấu hiệu này được cảm nhận bởi đau hai cánh tay, lưng, vai, cổ, xương hàm hoặc phía trên dạ dày (phía trên rốn). Điều này khá phức tạp.
Phụ nữ ít quan tâm chú ý đến các triệu chứng của bệnh vì họ thường nghĩ chỉ là mệt mỏi đơn thuần hoặc đau ở xương và chỉ dùng thuốc kháng viêm. Nhưng cần chú ý hơn vì các cơn đau ở lưng, cổ, xương hàm là dấu hiệu nhồi máu cơ tim thường gặp ở phụ nữ hơn ở nam giới.
Mệt mỏi bất thường, cảm giác nghẹt thở
Ở đàn ông, cần cảnh giác các dấu hiệu nhồi máu cơ tim khi họ đang hoạt động thể chất, trong lúc đang làm việc, có cảm giác cánh tay như bị tê liệt hoặc không thể thở được tuy nhiên lúc nghỉ ngơi các dấu hiệu sẽ biến mất.
Ở phụ nữ thì khác, các cơn đau tim có thể xảy ra khi ngồi ngay cả khi ngủ, điều đó có nghĩa là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim có thể xảy ra lúc nghĩ ngơi hơn là lúc vận động.
Ngoài ra có các dấu hiệu khác cần chú ý không được bỏ qua như mệt mỏi quá mức, không bình thường, đau phần trên ngực. Nên cẩn thận khi leo cầu thang, nếu cảm thấy quá mệt, cảm giác ngột thở và căng tức ở ngực, không nên chậm trễ cần đi khám ngay.
Cảm giác buồn nôn, nôn, đầy bụng khó tiêu
Cảm giác nặng bụng, khó chịu; đôi khi như ăn không tiêu và có cảm giác buồn nôn. Điều này rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác hoặc trào ngược dạ dày. Đặc biệt thường kèm theo đổ mồ hôi lạnh,đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, run, đau dạ dày và có cảm giác lo lắng.
Nhồi máu cơ tim cũng có thể xuất hiện kèm theo một số triệu chứng khác như toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng. Một số bệnh nhân còn xuất hiện cảm giác như "trời sắp sụp".
Về các đối tượng có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim, chủ yếu là các đối tượng đã từng bị nhồi máu cơ tim, hoặc đã thực hiện các thủ thuật can thiệp mạch vành. Nguy cơ cao hơn bình thường ở những người có bố hoặc anh được chẩn đoán bệnh mạch vành trước 55 tuổi, mẹ hoặc chị được chẩn đoán bệnh mạch vành trước 65 tuổi. Ngoài ra, còn kể tới một số đối tượng như người bị bệnh tiểu đường, tăng cholesterol máu, người bị tăng huyết áp , béo phì, người hút nhiều thuốc lá, ít hoạt động thể lực...
Phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim
Để phòng ngừa sự phát triển bệnh động mạch vành hoặc làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, ngoài việc lưu ý sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản:
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
- Loại bỏ các yếu tố nguy cơ: Không hút thuốc lá; Giữ cân nặng ở mức độ thích hợp; Ăn thức ăn ít chất béo; Ăn nhiều rau, quả; Tập thể dục đều đặn; Tránh căng thẳng; Hạn chế rượu, bia…
An Lê