Theo thông tin từ Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Ngày 9/5/2017, một chùm ca bệnh mắc và tử vong không rõ nguyên nhân bao gồm các hội chứng xuất huyết xảy đã ra tại khu vực Likati Health Zone, tỉnh Bas Uele - phía bắc nước Cộng hoà Dân chủ Congo, giáp Cộng hòa Trung Phi. Tích lũy từ ngày 2/4/2017 đến nay tại Congo đã ghi nhận 9 trường hợp mắc bao gồm 3 trường hợp tử vong, 6 trường hợp hiện đang theo dõi bệnh viện.
|
Ảnh: Newz.ug. |
Ngày 11/5/2017, Bộ Y tế Congo đã thông báo với WHO: trong 5 mẫu bệnh phẩm thu thập từ các trường hợp nghi ngờ bệnh được gửi đi xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tại Viện Nghiên cứu sinh học quốc gia tại Kinshasa, có 1 mẫu dương tính với vi rút Ebola. Các mẫu bệnh phẩm khác đang xét nghiệm, bao gồm cả phân lập vi rút.
Trước đó, ngày 10/5/2017, một nhóm công tác đa ngành do Bộ Y tế Congo tổ chức cùng với hỗ trợ của WHO và các đối tác đã đến khu vực bị ảnh hưởng để tiến hành điều tra sâu. Cuộc điều tra hiện đang triển khai và ghi nhận một số thông tin sẵn có đối với 3 trường hợp nghi ngờ: trường hợp đầu tiên là nam giới, 39 tuổi, khởi phát bệnh ngày 22/4/2017 và tử vong tại bệnh viện. Bệnh nhân có chảy máu cam, tiểu ra máu, tiêu chảy có máu. Hai trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân này đang được điều tra: một người chăm sóc bệnh nhân (người này cũng có các triệu chứng tương tự) và một người lái xe (đã tử vong) - người đã vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế. Trang bị bảo hộ cá nhân cho cán bộ y tế đã được chuyển đến Kisangani ngày 12/5/2017.
Trước tình hình trên, Ủy ban quốc gia phòng chống bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola đã được kích hoạt lại và họp hàng ngày để điều phối việc đáp ứng. Tăng cường hoạt động giám sát và điều tra bao gồm cả điều tra các trường hợp tiếp xúc. WHO cam kết sẽ trợ giúp và hỗ trợ kỹ thuật, một nhóm chuyên gia đa ngành của WHO đang xem xét đến Congo để hỗ trợ nhóm quốc gia trong công tác đáp ứng dịch bệnh. Mạng lưới cảnh báo và đáp ứng dịch bệnh toàn cầu cũng đã được kích hoạt để cung cấp hỗ trợ thêm nếu có yêu cầu. Hiện các chuyên gia đang thảo luận về nhu cầu và tính khả thi của tiêm vắc xin phòng bệnh Ebola.
Theo đánh giá của WHO, các trường hợp bệnh Ebola nêu trên xảy ra tại khu vực xa xôi, khó tiếp cận và hạn chế đi lại về mặt địa lý. WHO đang tiến hành điều tra để đánh giá mức độ bùng phát dịch bệnh và cần phải duy trì cảnh giác cao. Hiện, WHO không khuyến cáo hạn chế về du lịch và thương mại đến Congo trên cơ sở các thông tin hiện có.
Về phía Bộ Y tế Việt Nam, Cơ quan Đầu mối IHR sẽ tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh này tại Congo để kịp thời thông báo cho người dân.
Theo Minh Trí/ Sức khỏe & đời sống