Tổn thương sụn nhanh tàn phế
Do bị chấn thương khớp cổ chân trái khi chơi thể thao, sau thời gian bất động anh Nguyễn Vũ Ngọc (30 tuổi ở Hải Phòng) đi lại khó khăn. Đặc biệt, chân ngày càng đau cứng, anh không đi lại được, cơ teo... Anh nhập viện, chụp cộng hưởng từ phát hiện: Hoại tử lớp xương dưới sụn vùng bờ trong của xương sên và đã gây bong lớp sụn khớp. Nội soi xác định tổn thương sụn có kích thước 9mm đã gây bong sụn, lớp xương xốp phía dưới hoại tử tạo ổ khuyết sâu 10 mm.
Anh được phẫu thuật lấy phức hợp xương sụn tại mặt trước lồi cầu trong xương đùi qua nội soi khớp gối đưa mảnh ghép hình trụ có đường kính 9mm dài 10mm vào vị trí tổn khuyết sụn tại xương sên để phục hồi lại phần xương xốp hoại tử cũng như lớp sụn bị khuyết. Sau mổ anh được vận động khớp cổ chân (không tỳ nén) 4 tuần. Kiểm tra sau 3 tháng anh đi lại bình thường, chạy nhẩy không đau.
TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật khớp, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, tổn thương sụn khớp là bệnh phổ biến không chỉ gặp trong bệnh lý thoái hóa khớp giai đoạn muộn mà còn gặp rất nhiều ở người trẻ do viêm xương sụn thể tách vì chấn thương. Xương dưới sụn nằm ngay bên dưới sụn khớp (đầu xương), có vai trò hỗ trợ sụn khớp trong việc chống sốc, điều chỉnh áp lực trong khoang khớp để khớp có thể vận động bình thường. Xương dưới sụn cũng có nhiệm vụ cung cấp một phần dinh dưỡng cho lớp sụn nằm gần mặt xương dưới sụn, thúc đẩy quá trình chuyển hóa tại sụn khớp.
Quá trình lão hóa và tác động của lực cơ học trong quá trình vận động làm xương dưới sụn bị tổn thương khiến lớp sụn mất đi điểm tựa chịu lực và một nguồn cung cấp dinh dưỡng. Đồng thời, sụn thoái hóa với các vết loét, nứt gãy, cũng lại là yếu tố làm hủy hoại xương dưới sụn. Tác động qua lại này khiến cho quá trình khớp thoái hóa xảy ra nhanh và trầm trọng hơn, người bệnh thấy đau, sưng tấy, khớp tê cứng, biến dạng, teo cơ, không vận động được thành người tàn phế.
|
Một ca nội soi ghép xương sụn tự thân tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. |
Cứu cánh cho bệnh nhân trẻ
TS Nguyễn Quốc Dũng cho hay, trước đây cũng có nhiều kỹ thuật giúp phục hồi mặt sụn khớp song hiệu quả rất kém. Chẳng hạn như phẫu thuật khoan qua lớp xương sụn, chà mặt xương dưới sụn, xốp hóa phần xương dưới sụn... Thế nhưng, tất cả các phương pháp này chỉ là cách tạo ra một lớp sụn thay thế với tính chất không giống như bản thân lớp sụn khớp nên không mang lại kết quả lâu dài. Phương pháp điều trị mang tính triệt để nhất giúp được bệnh nhân lấy lại được chức năng vận động là thay khớp.
Tuy nhiên, thay khớp là một phẫu thuật lớn, tiềm ẩn những rủi ro, chi phí cao, không phải tất cả bệnh nhân có chỉ định thay khớp đều đáp ứng được. Hơn nữa, tuổi thọ của khớp nhân tạo chỉ có thời hạn nhất định (10 - 15 năm) nên ở những bệnh nhân trẻ tuổi (< 55) phải đứng trước nguy cơ thay lại khớp nhiều lần trong đời. Vì vậy, nội soi ghép xương sụn tự thân mới được thực hiện từ đầu năm 2016 thực sự có ý nghĩa, giúp điều trị sớm căn bệnh thoái hóa khớp cho bệnh nhân trẻ tuổi và trung niên; giúp người bệnh không phải đối diện với ca phẫu thuật thay khớp nhân tạo; trở về với sinh hoạt bình thường; kéo dài tuổi thọ của khớp gối.
TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm, việc ghép xương sụn tự thân được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi, giảm thiểu tối đa tổn thương cho người bệnh. Thời gian mổ từ 30 - 60 phút, người bệnh được gây tê tủy sống chứ không cần gây mê. Việc ghép xương sụn cũng đã khắc phục được nhược điểm ghép sụn đơn thuần là không tạo được sự liền sụn tại vị trí giáp ranh giữa mảnh ghép và nơi nhận (sụn không có mạch nuôi).
Trong khi đó, ghép xương sụn (mảnh ghép bao gồm phần xương liền sụn) tạo được sự liền xương tại vị trí ghép, nhờ đó sụn ghép sống, thay thế vùng khuyết sụn bám chặt vào xương tạo độ vững chắc. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng cho những tổn thương sụn có diện tích nhỏ và vừa (1 - 4cm2), đơn ổ, thường áp dụng cho thoái hóa khớp gối thứ phát sau chấn thương.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):
Thúy Nga