Gần 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai
Gần đây nhất là vụ việc ngộ độc bánh mì ở TP Long Khánh, Đồng Nai. Cụ thể vào ngày 30/4, tiệm bánh mì Băng, ở đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, bán ra 1.100 ổ bánh mì. Đến ngày 1/5, những người ăn bánh mì có dấu hiệu ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn..., nhập viện cấp cứu, chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm.
|
Đoàn của Bộ Y tế thăm bệnh nhân bị ngộ độc tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai. Ảnh: Vũ Hội |
Theo thống kê, số ca nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở đây tính đến trưa 3/5 là 487 người, trong đó hai bệnh nhi phải lọc máu. Tiệm bánh mì đã bị đình chỉ hoạt động.
Tiệm bánh mì Băng bán bánh mì thịt bao gồm: bánh mì, pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà.
153 người ngộ độc bánh mì ở Sóc Trăng
Cuối tháng 1/2024 MXH "dậy sóng" với vụ việc 153 người ngộ độc bánh mì ở tiệm T.H (đường Hai Bà Trưng, phường 1, TP. Sóc Trăng). Sau khi ăn bánh mì kèm patê gan, thịt nguội, chả lụa, chà bông, dưa leo, bơ… mua tại tiệm, hàng trăm người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt… phải nhập viện điều trị.
|
153 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở tiệm T.H (Sóc Trăng). Ảnh: Tiền phong |
Lãnh đạo UBND TP Sóc Trăng xử phạt hành chính tiệm bánh mì T.H 90 triệu đồng, căn nguyên gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật Salmonellaspp phát hiện trong thịt nguội của cơ sở này.
Cơ sở T.H còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh bánh mì patê - chả lụa trong thời gian 4 tháng; chịu toàn bộ chi phí khám, điều trị cho 153 người bị ngộ độc và xử lý ngộ độc thực phẩm, với số tiền hơn 384 triệu đồng.
313 người ngộ độc sau ăn bánh mì Phượng ở Hội An
Ngày 12/9/2023 sau khi tiếp nhận thông tin 5 người trong 1 gia đình có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Phượng, Hội An, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu kiểm nghiệm. Qua xác minh, điều tra xác định tổng cộng 313 người bị ngộ độc do ăn bánh mì Phượng, trong đó có 103 người nước ngoài.
Sau khi ăn bánh mì Phượng, hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng ngộ độc là đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần (trên 10 lần), nôn, sốt cao... Thịt heo xíu và rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo trong hai bữa ăn ngày 11 và 12/9 được xác định là nguyên nhân khiến hàng trăm người bị ngộ độc do vi khuẩn Salmonella.
|
Bánh mì Phượng ở Hội An từng là địa chỉ hút khách du lịch. Ảnh: Sưu tầm |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sau đó đã xử phạt vi phạm hành chính 96 triệu đồng đối với hộ kinh doanh bánh mì Phượng (ở đường Phan Châu Trinh, P.Minh An, TP.Hội An, Quảng Nam) về hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Hộ kinh doanh bánh mì Phượng cũng bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh trong thời hạn 3 tháng. Ngoài ra phải chịu mọi chi phí liên quan.
Vụ ngộ độc bánh mì Liên Hoa nổi tiếng Đà Lạt
Từ ngày 18/3/2022 ở TP Đà Lạt xảy ra vụ ngộ độc cho hàng loạt du khách, vận động viên và người dân liên quan đến thương hiệu bánh mì Liên Hoa bán tại các cơ sở trên đường Phan Chu Trinh, Trần Phú, chợ Đà Lạt. Có tổng cộng 133 bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn bánh mì Liên Hoa. Trong số này, có 109 ca phải đến bệnh viện điều trị, 24 ca điều trị tại nhà.
|
Tiệm bánh Liên Hoa nổi tiếng Đà Lạt. Ảnh: Sưu tầm |
Tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt chủ tiệm bánh Liên Hoa gây ngộ độc cho hàng loạt người dân và du khách tổng số tiền 92 triệu đồng, đình chỉ kinh doanh 3 tháng.
Những vụ ngộ độc bánh mì trên đây là bài học đắt giá trong vấn đề an toàn thực phẩm. Cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân để đẩy lùi nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngọc Mai