Tủ lạnh là phương tiện kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm cực kỳ hữu hiệu nhưng không phải bất cứ thứ gì ăn được đều nên cho vào tủ. Có những loại thực phẩm nhanh hỏng khi bảo quản trong tủ lạnh nên tốt nhất bạn nên giữ chúng ở bên ngoài.
Những thực phẩm dưới đây sẽ được bảo quản tốt hơn nếu để bên ngoài thay vì cho vào tủ lạnh.
Chuối là loại trái cây rất dễ hỏng nhưng không nên cho vào tủ lạnh vì nó có xu hướng chuyển sang màu đen và giảm mùi vị ở nhiệt độ thấp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiệt độ ở tủ lạnh có thể phá hủy cấu trúc tế bào chuối, ảnh hưởng đến hương vị.
Ngoài ra, chuối để trong tủ lạnh nhanh bị thâm đen, thối hỏng hơn ở môi trường nhiệt độ phòng. Vi khuẩn sẽ sinh sôi rất nhanh và thậm chí “tấn công” sang cả những thực phẩm khác trong tủ lạnh nhà bạn.
Nếu muốn làm chậm tốc độ chín của chuối, bạn chỉ cần dùng màng bọc thực phẩm bọc phần cuống lại rồi để ở nhiệt độ phòng.
Hành tây
Đây là một trong những thực phẩm nhanh hỏng khi bảo quản trong tủ lạnh. Nếu hành tây đã được xắt ra, dù bạn có bọc gói cẩn thận thế nào, nó vẫn bị mất nước và khô héo nếu cho vào tủ lạnh. Ngoài ra, việc để hành tây trong tủ lạnh quá lâu cũng khiến chúng dễ bị nhiễm nấm mốc, không còn an toàn. Mặt khác, hành tây có mùi hăng nồng, nếu cho vào tủ lạnh sẽ khiến các thực phẩm khác bị nhiễm mùi.
Bánh mỳ
Bánh mỳ là loại thực phẩm không nên để trong tủ lạnh vì nó sẽ nhanh bị khô và cứng do mất đi độ ẩm, và nếu môi trường tủ lạnh không sạch sẽ thì trên bánh dễ xuất hiện nấm mốc. Thông thường, bảo quản bánh ở nhiệt độ phòng và ăn trong vòng 3 ngày là tốt nhất. Nếu để quá 3 ngày thì tốt nhất bạ nên gói lại, cho bánh mỳ vào hộp rồi cấp đông.
Tỏi
Việc cất tỏi trong tủ lạnh sẽ kích thích mọc mầm, mọc rễ. Tỏi cũng nhanh bị biến chất, nhiễm vi khuẩn. Nhiệt độ thấp trong tủ lạnh sẽ làm tỏi cứng lại; độ ẩm cao sẽ khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn.
Hãy bảo quản tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Nên mua tỏi phơi khô thay cho tỏi tươi nếu bạn muốn tích trữ để ăn dần. Thay vì bọc kín, hãy để tỏi tiếp xúc với không khí, tránh xa nơi có độ ẩm cao.
Nếu muốn bảo quản tỏi trong tủ lạnh, hãy dùng ngăn đông thay vì ngăn mát. Cách làm là bóc vỏ từng tép tỏi, cho vào lọ, đổ dầu ăn vào ngập tỏi, đóng kín nắp rồi cho vào ngăn đá. Phương pháp này không những giúp bảo quản tỏi hiệu quả mà còn rất tiện lợi khi nấu nướng.
Khoai tây
Ở nhiệt độ thấp, khoai tây sẽ bị biến chất, ảnh hưởng đến mùi vị. Chức năng làm lạnh của thiết bị này khiến khoai tây bị thoát hơi nước, môi trường xung quanh nó trở nên ẩm ướt, thúc đẩy sự nảy mầm. Ở khoai tây mọc mầm, hàm lượng dinh dưỡng giảm trong khi chất độc solanin tăng lên, có thể khiến người ăn bị ngộ độc với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy.
Phương pháp bảo quản đúng: Cho một vài quả táo vào túi đựng khoai tây. Quả táo chín thải ra khí ethylene, có thể làm chậm tốc độ nảy mầm. Nên để khoai tây ở nơi tối và thoáng mát.
Cà phê, trà, sữa bột
Hãy luôn nhớ rằng trà và cà phê, sữa bột nằm trong danh sách những thực phẩm nhanh hỏng khi bảo quản trong tủ lạnh. Chúng là những sản phẩm được phơi hoặc sấy khô, sau khi xử lý sẽ có độ ẩm cực thấp, vi sinh vật khó sinh sôi, chỉ cần chú ý đến độ ẩm là có thể bảo quản được lâu.
Nếu bạn đã mở hộp và cất trong tủ lạnh, sản phẩm sẽ dễ bị ẩm và mốc, chưa kể bị nhiễm mùi thức ăn.
Mật ong
Nhiều người nghĩ rằng bất cứ thực phẩm nào cũng duy trì được trạng thái tốt nhất được lâu hơn nếu để trong tủ lạnh, nhất là nếu nó ở dạng lỏng. Tuy nhiên, điều này không hề đúng với mật ong.
Mật ong rất giàu chất kháng khuẩn và chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, nhiệt độ và độ ẩm trong tủ lạnh sẽ khiến mật ong bị kết tinh, giảm chất lượng và dễ trở thành mục tiêu của vi khuẩn, nhất là nếu bạn đóng nắp không kỹ hoặc bọc không kín.
Để giữ mật ong ngon lâu, bạn chỉ cần bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng và nhiệt độ cao.