1. Cho rằng trái cây đều giống nhau
Dù dứa và việt quất đều chứa nhiều vitamin, nhưng hẳn nhiên chúng là hai loại khác nhau rất nhiều về lượng tinh bột, đường và chất xơ.
Các loại trái cây tốt nhất là những loại chứa nhiều polyphenols và chỉ số glycemic thấp nhất. Trái cây có màu thẫm hầu hết cũng nhiều chất chống oxy hóa và ít đường hơn trái sáng màu.
2. Ăn quá nhiều
Bạn cho rằng ăn kiêng cần ăn nhiều rau trái, nhưng ăn quá nhiều trái cây thì cần phải cẩn trọng. Trái cây có chỉ số glycemic, trái càng ngon ngọt thì càng dễ làm đường huyết lẫn số calo tăng lên.
Mỗi người lớn chỉ nên ăn chừng hai chén trái cây mỗi ngày, đồng thời nên chọn trái có kích cỡ nhỏ thay vì những loại trái "ngoại cỡ".
3. Không lựa chọn loại phù hợp
Khi bạn cảm thấy đói nhưng chưa đến giờ ăn, chọn lựa loại trái cây phù hợp để ăn cũng quan trọng.
Một trái táo lớn có 120 calo, trái nhỏ chỉ có 53 calo. Khi đói, bạn dễ cho rằng mọi trái cây đều giống nhau và quên so sánh lượng dinh dưỡng của nó.
4. Ăn riêng một loại trái cây
Dù trái cây tốt hơn kẹo bánh, nó vẫn có khả năng khiến đường huyết tăng giảm thất thường. Ăn trái cây chung với protein, ví dụ như pho mát hay bơ đậu phộng, là cách giải quyết tốt nhất. Protein làm tăng hoocmon glucaon giúp cân bằng đường huyết. Người bị tiểu đường càng nên ghi nhớ điều này.
5. Không mua trái cây hữu cơ
Loại này thì đắt hơn, nhưng chúng chứa ít chất trừ sâu, chất bảo quản hơn. Ăn trái cây được trồng và bảo quản tự nhiên giúp bạn tránh được dư lượng thuốc trừ sâu, thêm dinh dưỡng.
6. Không ăn vỏ
Vỏ là phần bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa nhất. Vỏ táo rất dồi dào chất xơ, vitamin A,C.
Nghiên cứu cho thấy ăn vỏ còn làm giảm nguy cơ béo phì, ung thư.
7. Chỉ uống nước ép
Nước ép trái cây không có chất xơ làm chậm giải phóng glucose vào máu. Do đó, tốt hơn là nên ăn trái cây hoặc nước xay rau quả thay vì ép. Bạn cũng dễ uống nhiều nước ép hơn là ăn.
Theo L.A/ Khỏe 365