1. Ông bố hay gắt gỏng
Ảnh minh họa.
Trong cuộc sống, không ít ông bố gặp phiền phức trong công việc, về nhà thấy con không nghe lời sẽ dễ dàng "tẩu hỏa nhập ma".
Tính khí không tốt của người cha không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển tính cách của trẻ mà còn dễ phá hủy sự hòa thuận, êm ấm của gia đình, làm tổn thương tình cảm vợ chồng, cha mẹ và con cái. Một người cha nóng tính cũng sẽ phá hủy cảm giác an toàn và sự tự tin của trẻ, đồng thời sẽ "lây nhiễm" tính khí xấu cho trẻ.
Mất bình tĩnh sẽ không giải quyết được vấn đề, dù có chuyện lớn đến đâu cũng phải học cách kiềm chế cảm xúc. Đối xử tốt với người trong gia đình và hòa nhã với người khác luôn là bí quyết giữ gìn hạnh phúc, thành công của người đàn ông trưởng thành.
2. Ông bố "nghiện" điện thoại di động
Ảnh minh họa.
Một cậu bé 7 tuổi từng thổ lộ trực tiếp trên sóng truyền hình ở Bắc Kinh: "Bố yêu điện thoại di động hơn con". Bởi cậu bé quan sát thấy mỗi lần rủ bố chơi cùng, bố đều ưu tiên điện thoại trước rồi mới thực hiện lời hứa với con sau.
Trên thực tế, những ông bố "nghiện" điện thoại di động hơn con là có thật. Mạng xã hội đã khiến người lớn cuốn vào những tin tức, video giải trí, thậm chí quên luôn cả cuộc sống đời thực. Một đứa trẻ nhận được sự thờ ơ, hững hờ của bố có thể sẽ cảm thấy mình bị bỏ quên, cô lập, không nhận được sự yêu thương từ bố vì lúc nào thấy bố cũng chỉ cắm cúi nhìn màn hình điện thoại.
Khi bố chăm chú vào điện thoại, bố cũng sẽ tìm một "màn hình" khác để con tự chơi vui vẻ, không ảnh hưởng đến việc bố "lướt" MXH. Đây là một thói quen vô cùng xấu, nếu cứ kéo dài thói quen này thì trẻ sẽ không chịu tham gia bất cứ hoạt động ngoài trời nào khác, vô tình khiến trẻ trở nên ù lì, chậm chạp khi tiếp xúc với thế giới xung quanh.
Dùng điện thoại không xấu nhưng để con trẻ lạm dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi quả là một phương pháp giáo dục tệ. Thay vào đó, bố mẹ nên cùng con cái tham gia các hoạt động như đọc sách, chơi Lego, các trò chơi cha mẹ - con cái, chạy và leo núi...
3. Ông bố thích hút thuốc
Tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe người xung quanh, đặc biệt trẻ nhỏ là không cần phải bàn cãi. Người bố thường xuyên hút thuốc, con dễ bị viêm phế quản và viêm phổi.
Ngoài ra, nó còn gây hại đến khả năng học tập của trẻ, khả năng đọc, suy luận và toán học. Các ông bố hút thuốc nên tìm cách giảm dần hoặc hút ở nơi không ảnh hưởng đến người xung quanh.
4. Ông bố hay uống rượu say
Ảnh minh họa.
Bên cạnh việc hút thuốc, các ông bố cũng tránh việc ăn nhậu say xỉn trước mặt trẻ bởi sẽ để lại những ấn tượng không tốt cho các con ngay từ khi còn nhỏ.
Đồng thời, việc để trẻ thường xuyên chứng kiến bố uống rượu say sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quá trình trưởng thành của các bé. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ trở nên ương bướng, không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ.
5. Ông bố gia trưởng, kiểm soát mọi thứ của con
Ảnh minh họa.
Đây là những ông bố đặt quá nhiều áp lực lên con, trong cả học tập lẫn những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Những ông bố này không bao giờ bằng lòng với những gì con cái đạt được, họ luôn so sánh con mình với những đứa trẻ xuất chúng khác và tạo áp lực để con đạt được thành quả cao hơn.
"Áp lực tạo nên kim cương", thế nhưng nếu không đúng cách sẽ dẫn tới hệ quả khó lường. Trẻ có nguy cơ trở nên chán nản, mệt mỏi, không muốn làm bất cứ thứ gì. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích để con phát triển khả năng của bản thân thay vì áp đặt những việc quá sức của trẻ.
6. Ông bố thất hứa
Ảnh minh họa.
Trước 10 tuổi, cha là bầu trời trong mắt con. Tuy nhiên, nhiều ông bố luôn lấy lý do thời gian và công việc bận rộn để bào chữa cho sự thất hứa với con. Dùng lời lẽ ngụy biện vì nghĩ con còn nhỏ nên bịa ra lý do chiếu lệ.
Người cha không trung thực sẽ đánh mất lòng tin trong đứa trẻ, tâm lý bất an. Hơn bất cứ mối quan hệ nào, bạn cũng cần giữ lời với con, đừng nên hứa tùy ý.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Tường Vy/ Sức khỏe Đời sống