Với cụ John Jeans-Winkworth, 100 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Bath, người đã từng phục vụ trong quân đội hồi Thế chiến thứ hai, thì chìa khóa cho hạnh phúc nằm ở sự hài lòng với những gì mà mình có: "Tôi không hối tiếc gì cả."
Người duy nhất cảm thấy hối tiếc là cụ Mary Zorichak, 101 tuổi. Cụ tiếc là mình đã không làm vườn nhiều hơn, đi du lịch nhiều hơn. Theo cụ, bí mật của một cuộc sống hạnh phúc là "luôn khiến bạn bận rộn, cả về thể chất lẫn tâm trí của mình".
Đây cũng là lời khuyên của cụ Marnie, 101 tuổi. Cụ nói: "Hãy bận rộn và sống tích cực. Khi còn trẻ, tôi đi xe đạp hoặc đi bộ khắp mọi nơi. Tôi chỉ học lái xe khi đã lớn tuổi. Tôi đã luôn luôn bận rộn: làm vườn, may vá, đan lát, chơi đàn piano và đọc sách. Điều quan trọng là giữ cho đầu óc hoạt động và cần giữ liên hệ với thế giới này. Tôi đã đọc sách suốt cả đời mình và vẫn sẽ đọc tiếp. Mỗi ngày, tôi vẫn chơi giải ô chữ trong tờ báo của địa phương."
Trái với suy đoán của nhiều người, cụ Marnie vốn không phải là một người khỏe mạnh. Cụ từng mắc bệnh lao, bị viêm khớp mãn tính từ sớm và khi lớn tuổi còn mắc bệnh tim nữa.
Cụ nói: "Chính bản thân tôi cũng không rõ sao mình có thể sống thọ đến vậy. Hồi tôi còn nhỏ, bọn trẻ chúng tôi đều thích ra ngoài chơi. Chúng tôi ăn nhiều trái cây, rau và cá, rất ít ăn thịt (vì đơn giản không có). Bù vào đó chúng tôi có nhiều sữa và các sản phẩm từ sữa như bơ, pho mát, váng sữa..."
Marnie cho rằng tuổi thọ của cụ là do di truyền. Bà của cụ đã sống đến hơn 90 tuổi. Hồi trẻ cụ Marnie cũng từng hút thuốc nhưng đã sớm bỏ, rượu thì thỉnh thoảng vẫn uống. Hiện cụ vẫn uống một ly rượu whisky mỗi tuần.
|
Ảnh minh họa. |
"Gia đình phải được đặt lên hàng đầu. Bạn hãy làm tất cả những gì có thể để bảo vệ và giáo dục con cái mình." - Marnie bế cháu đời thứ 5 của cụ, Jack, chụp ảnh cùng 4 thế hệ trong gia đình.
Khi còn trẻ, cụ Marnie đã rời nhà để theo học một khóa đào tạo bảo mẫu. Rồi sau đó cụ lập gia đình. Cụ cùng chồng và các con chuyển đến sống ở Aberdeen, nơi họ điều hành một khu nhà trọ. Đó là khoảng thời gian bà cảm thấy hạnh phúc nhất: "Lúc đó chúng tôi đều còn trẻ và trong túi có tiền".
Bí quyết sống thọ của cụ là: "Gia đình đặt lên hàng đầu. Hãy làm tất cả những gì có thể để bảo vệ và giáo dục con cái mình. Đừng chi tiêu những gì bạn không có. Hãy luôn sử dụng đôi bàn tay và trí óc của mình, đừng bao giờ ngồi yên một chỗ. Tôi vẫn tự tay làm và nướng bánh mì dù giờ đây người ta thường dùng máy để làm."
Nói chung, đối với những cụ già đã sống đến 100 tuổi, có một điểm chung là cần giữ hoạt động tích cực và giữ mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Một số người mong muốn mình làm được hoặc đi du lịch được nhiều hơn, có nhiều thời gian hơn với những người thân yêu, mất ít thời gian lo lắng hơn...
Tại nhà căn nhà riêng của mình ở Surrey, cụ Rose Lamprey, 103 tuổi, đã cho tôi (PV) xem một bức ảnh đen trắng của chồng cụ, Colin, hồi trẻ với mái tóc gọn gàng và dáng người nho nhã: "Ông ấy rất đẹp trai".
Cuộc hôn nhân của họ đã kéo dài 70 năm, cho đến khi ông Colin qua đời ở tuổi 90.
Điều gì là chìa khóa cho một cuộc hôn nhân dài, hạnh phúc?
Ngay lập tức cụ nói: "Tình yêu! Nếu bạn yêu ai đó đủ nhiều như tôi yêu chồng tôi thì tình yêu sẽ giúp bạn vượt qua được mọi bất đồng."
Hiện cụ Rose đã phải ngồi xe lăn nhưng giọng nói của cụ vẫn còn rất mạnh mẽ. Cụ sinh năm 1914. Cha cụ làm việc tại bến tàu Prince of Wales ở Swansea sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Là một y tá, hai vợ chồng cụ có hai người con gái. Hồi Thế chiến thứ II, có lần cụ đã phải một mình vượt cạn trong một căn hầm tránh bom.
"Bà mụ không thể đến được vì đang có cuộc không kích và thế là tôi liền nói: "đừng lo lắng gì cả". Lúc đó tôi nghĩ, nếu đứa trẻ sinh ra, tôi sẽ phải tự đỡ lấy."
Cụ đã bỏ đồ dự phòng bao gồm bình nước nóng, chăn, băng buộc dây rốn... vào một chiếc xô vào xuống hầm trú ẩn. "Tôi tự đỡ đẻ cho mình và tự cắt rốn cho con cùng mọi thứ sau đó."
Cụ đã có "một cuộc sống tuyệt vời do đó nếu ngày mai tôi chết, đừng ai khóc thương gì."
Có hối tiếc gì không ư?
"Không, không có hối tiếc nào. Tôi đã sống một cuộc đời trọn vẹn, hạnh phúc... Tôi đã có một cuộc hôn nhân rất hạnh phúc và những đứa trẻ đáng yêu."
Sai lầm lớn nhất mà người ta tạo ra cho cuộc sống của mình là gì?
Cụ Rose nói: "Họ không hài lòng với những gì mình có".
Cụ đã luôn bận rộn, chơi piano và vẽ tranh, điều mà cụ cho là rất quan trọng: "Hãy quan tâm đến mọi thứ, đến những gì đang xảy ra. Đừng ngồi một chỗ vô vị."
Rose đã mất chồng và bạn bè của cụ. Vậy cụ sống thế nào khi không có họ?
"À, chẳng ai sống mãi, trừ tình yêu."
Nhưng liệu cụ có phải trải qua rất nhiều buồn đau?
Cụ khẳng định một cách cương quyết: "Thật không tốt khi tỏ ra thống khổ và buồn rầu. Điều này sẽ làm cho con cái bạn khốn khổ với suy nghĩ rằng: "Mẹ mình thật bất hạnh". Thế thì rất không hay. Hãy cố gắng nghĩ rằng, Chúa sẽ đón tất cả chúng ta đi. Và ngày mà tôi được đón đi, Colin của tôi sẽ ở đó và nói: "Tình yêu của anh, tại sao em làm anh chờ lâu vậy?".
Theo Minh Minh/ĐSPL