Mặt nạ là món đồ chơi được rất nhiều các em trẻ yêu thích mỗi dịp Tết thiếu nhi về. Bên cạnh những loại mặt nạ truyền thống thì hiện nay đã xuất hiện rất nhiều các mẫu mã mặt nạ khác nhau trên thị trường và do không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên nó trở thành mối lo ngại cho các bậc phụ huynh khi con em thích thú với những loại mặt nạ này.
|
Mặt nạ Trung thu có thể gây dị ứng da cho trẻ . |
Hầu hết các loại mặt nạ đều được trang trí bằng kim tuyến hay các hạt lấp lánh để trở nên long lanh hơn vào đêm tối. Vì vậy, nếu những hạt này rơi vào mắt, miệng hay mũi thì đều là tác nhân nguy hiểm khiến trẻ bị viêm đường hô hấp, viêm giác mạc hoặc các loại bệnh về tai, mũi, họng khác.
Theo TS Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật thuật hóa học (ĐH Bách khoa Hà Nội), sẽ rất nguy hiểm khi trẻ đeo những loại mặt nạ nhiều màu sắc, vì khi đó bé rất dễ nuốt và hít phải những hạt bụi màu li ti bay ra trong quá trình vui chơi. Để tạo nên những màu sắc trên sản phẩm, người ta thường sử dụng các ion kim loại, nhất là các ion kim loại nặng. Chất này nếu tích tụ lâu trong cơ thể sẽ dẫn đến khả năng mắc các bệnh ung thư cho người sử dụng. Vì vậy, khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với lớp màu này, nguy cơ gây hại cho sức khỏe là rất lớn.
Không chỉ vậy, những hạt kim tuyến và lớp sơn độc hại bên ngoài mặt nạ cũng có thể khiến da trẻ bị kích ứng, gây ngứa và tổn thương làn da. BS Nguyễn Đức Long, nguyên Trưởng khoa Da liễu (Bệnh viện Trung ương Huế) cho hay, người dùng bị dị ứng với một sản phẩm nào đó, xuất phát từ hai nguyên nhân: Chất lượng sản phẩm không đảm bảo an toàn và cơ địa thích ứng của mỗi người khi gặp tác nhân bên ngoài. Điều này đặc biệt cần lưu ý đối với trẻ nhỏ.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần thận trọng hơn trong việc chọn mua đồ chơi Trung thu cho trẻ.
Đèn lồng Trung thu có thể gây ung thư và cháy nổ
Một món đồ chơi luôn thu hút sự quan tâm mỗi dịp Tết Trung thu về chính là đèn lồng. Ngoài bánh trung thu thì đèn lồng thường được nhắc đến như một biểu tượng của dịp Tết này. Nếu trước kia, các em nhỏ thường quen với các loại đèn truyền thống như đèn ông sao, đèn thỏ ngọc, đèn cá chép thì ngày nay những chiếc đèn với kiểu dáng mới lạ, màu sắc bắt mắt lại khiến trẻ em không thể rời mắt và chúng đang được bày bán tràn lan trên thị trường.
Mặc dù đa số trẻ em đều thích được bố mẹ mua cho một chiếc đèn lồng nhiều màu sắc lạ mắt nhưng đây cũng là nỗi trăn trở của nhiều phụ huynh bởi có nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong những chiếc đèn lồng không rõ nguồn gốc này.
Theo tờ Doanh Nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học đã từng tiến hành kiểm nghiệm đối với 2 mẫu đèn lồng nhựa không rõ xuất xứ đang bán trên thị trường. Kết quả cho thấy lượng muối cadimi (Cd) trong sơn phủ có hàm lượng cao gấp 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em của Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam.
|
Đèn lồng Trung thu có thể gây ung thư và cháy nổ. |
Được biết, cd là một loại chất thường được sử dụng để tạo màu cho chựa. Đặc biệt, nó cùng với chì và thủy ngân, là 3 kim loại thuộc danh sách độc hại nhất với cơ thể con người. Nếu bị nhiễm loại độc chất này, con người dễ mắc các bệnh như ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt và dị tật thai nhi.
Trong khi đó, giới chuyên môn cảnh báo rằng chỉ cần nắm vào đèn lồng có chứa chất Cd là con người dễ dàng bị nhiễm độc. Tiếp xúc nhiều với đèn lồng nhiễm Cd hàm lượng quá cao sẽ dẫn đến tích lũy nhiều trong thận và phát bệnh sau đó.
Như vậy việc tiếp xúc bên ngoài qua da hay qua đường hô hấp, đặc biệt là khi trẻ ngậm đồ chơi vào miệng thì đều có thể dẫn đến các phản ứng không mong muốn tới sức khỏe, từ nhẹ tới nặng.
Bên cạnh đó, đèn lồng còn là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ vào đêm Trung thu.
Một trong những trường hợp đáng lưu ý khi trẻ chơi với đèn lồng Trung thu và bị bỏng nặng là trường hợp của cháu Huy ở Tiền Giang..
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 26/9/2015. Khi đó, cháu Huy chơi lồng đèn Trung thu bằng giấy lắp ghép bằng keo hai mặt được một tiệm tạp hóa gần nhà tặng. Lúc chơi, Huy đốt một cây đèn cầy lớn chính giữa lồng đèn và nhiều đèn cầy nhỏ xung quanh.
Khi đó, ngọn lửa của đèn cầy cháy to, lo sợ lồng đèn Trung thu bị cháy nên cháu Huy khom người vào thổi, bỗng ngọn lửa bùng mạnh và táp thẳng vào mặt làm cháu bị bỏng nặng toàn bộ khuôn mặt. Gia đình đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu ngay sau đó. Rất may hai mắt bé Huy không bị tổn thương, nhưng toàn bộ khuôn mặt bị bỏng nặng, phồng rộp.
Như vậy có thể thấy những chiếc đèn lồng Trung thu không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh nên lựa chọn những món đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Búp bê bằng nhựa chứa nhiều chất độc hại
Nhiều loại búp bê Trung Quốc được kiểm nghiệm chứa chất độc Phthalates. Chất phụ gia phthalates được bổ sung vào nhựa để làm mềm và tăng khả năng chịu nhiệt. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chỉ ra việc tiếp xúc với hóa chất này có thể ảnh hưởng đến nội tiết, gây ra những vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Bóng bay có thể ảnh hưởng hệ hô hấp của trẻ
Nhiều bậc phụ huynh vô tư cho trẻ thổi bóng bay cao su mà ít ai biết rằng, sản phẩm này làm từ mủ cao su cùng các chất phụ gia dễ gây độc hại cho trẻ.
Theo KS Vũ Tân Cảnh, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), nguyên liệu chính làm bóng bay là mủ chích từ cây cao su cùng các hóa chất: lưu huỳnh, chất xúc tiến, bột màu, bột tan. Trong đó, lưu huỳnh được sử dụng nhằm mục đích lưu hóa mủ cao su giúp dẻo, dai, không bị dính. Còn phẩm màu nhằm tăng các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng cho quả bóng. Các chất màu này đều sử dụng bột màu công nghiệp và chứa các kim loại độc hại như màu đỏ có chất chì, màu xanh và vàng có chất crom...
Hầu hết các loại bóng bay hiện nay đều sử dụng công thức trên nên rất độc cho trẻ nhỏ khi thổi, ngậm hay cầm tay. Bởi các chất như lưu huỳnh, chất xúc tiến, bột màu đều là hóa chất công nghiệp. Các chất này khi tồn dư trong cơ thể sẽ rất độc hại đối với sức khỏe, nhất là sức khỏe trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ khi ngậm thổi ảnh hưởng trực tiếp dễ ảnh hưởng tới hệ hô hấp và các bộ phận khác cơ thể.