Tôi nghĩ lấy được một đức ông chồng quanh năm không bia bọt không rượu chè là phúc phận hiếm có của một người đàn bà. Các bạn gái chưa chồng chớ có mơ mộng đến những anh chàng “soái ca” lắm tài nhiều tật, rành rượu mà làm gì. Đến lúc phải cong lưng oằn mình phục vụ từ đồ nhắm đến tắm rửa, vệ sinh cho anh ta thì có hối cũng chẳng kịp!
Hơn nữa, hơi men chuếnh choáng còn khiến anh ta thấy những món ăn kinh dị, vô nhân tính trở nên hấp dẫn hơn, và do đó, tiếp tay cho tội ác. Làm kinh doanh, thường xuyên phải tiếp khách, nhưng thứ khiến tôi ghê sợ nhất trên bàn nhậu không phải rượu bia thông thường, mà là những món “đặc sản” ấy.
Vào những dịp quan trọng, món “não hầu” hay “óc khỉ sống” lại đi một quãng đường dài từ Trung Quốc về bàn nhậu của đại gia Việt. Nhưng món ăn “cao lương mỹ vị” này không dành cho những người có nhân tính. Bởi người ta phải thản nhiên chứng kiến con khỉ bị “hành quyết” ngay tại bàn nhậu, tiếp tục thản nhiên xúc óc khỉ còn vương máu cho vào miệng, mặc kệ con vật xấu số vẫn đang đau đớn kêu rên.
|
Não hầu (óc khỉ sống) - một trong những món ăn tàn ác nhất. Ảnh: Internet. |
Cũng từng có một thời, uống rượu huyết - rượu được pha với máu động vật (dê, nai, rắn, dơi, mèo…) trở thành “mốt” được nhiều bợm nhậu chịu chơi theo đuổi trường kỳ để… tăng cường sinh lực.
Giờ đây, các món ăn kinh dị vẫn là thước đo đẳng cấp của dân nhậu. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn cho các món ăn được chế biến từ động vật hoang dã, kỳ quái…
Vì thú quý (hoặc dị) nên người ta không lãng phí một bộ phận nào từ lục phủ ngũ tạng đến thịt, da, máu, xương… sau đó chế biến đủ kiểu: nấu, chiên, hầm… Vì hiếm, nên đôi khi người ta “phải” bịp bợm bằng cách thay thịt dê bằng thịt chó, thay xương hổ bằng xương bò… Rồi vì bổ, nên thực khách cứ nhắm mắt gắp lấy gắp để, chắc mẩm phen này sức khỏe mình được dồi dào, tuổi thọ mình được nâng cao.
Dù rằng, nhiều khi đặc sản lại biến thành độc sản. Và cái chết do các loại “độc sản” gây ra luôn đến nhanh hơn bất cứ căn bệnh hiểm nghèo nào. Mới đây, một cựu giám đốc sở ở Bạc Liêu đã phải bỏ mạng sau khi ăn tiết tiết canh dơi – một món đặc sản ở miền Tây.
|
Tiết canh- món ăn tử thần. Ảnh minh họa: Internet. |
Vậy nên, các quý ông hãy cân nhắc thật kỹ trước khi gọi một món đặc sản nào đó. Đằng sau lời quảng cáo có cánh của nhân viên nhà hàng quán nhậu, biết đâu lại là cánh cửa tội ác hay tiếng gọi của tử thần. Nếu quý ông nào phản biện: “Lắm chuyện, mình không ăn được thì để người khác ăn! Toàn đặc sản mà không biết thưởng thức!” thì tôi xin hàng.
Con người muốn thực hiện quá trình tiêu hóa vốn dĩ chỉ cần đưa thức ăn vào miệng nhai nghiền. Vậy thì có “miếng tồi tàn” nào mà con người không “ăn được”? Xưa kia hoang dã buộc phải ăn sống nuốt tươi để duy trì sự sống đã đành nhưng tôi không hiểu tại sao ngày nay văn minh, đủ đầy, người ta vẫn cố ý “ăn tạp”. Những tưởng trên thế giới chỉ có bộ tộc Hadza (Tanzania) mới từ chối văn minh thôi chứ?
Và để khép lại bức thư này, tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện: Có một con cá mập trắng khỏe mạnh, hung dữ sống giữa đại dương mênh mông. Một ngày như bao ngày, nó tấn công, nuốt chửng một con sư tử biển trong chớp mắt. Nhưng khác với mọi lần, con mồi quá lớn khiến nó bị nghẹn. Nó cố gắng giãy giụa, khạc nhổ nhưng đã quá trễ. Xác nó sau đó trôi dạt vào bờ biển Australia…
Lẽ ra con cá mập này sẽ chết vì già theo quy luật tự nhiên hoặc xấu hơn thì chết vì bị thương khi chiến đấu với cá voi sát thủ. Nhưng kết cục đau lòng không thể thay đổi: Nó đã chết vì ăn!
Tái bút: Câu chuyện tôi vừa kể không phải bịa, mà hoàn toàn có thật.
Theo Người Đưa Tin