Dùng nước để chữa nấc cụt
Trong phạm vi tìm hiểu thông tin liên quan đến loạt bài viết lý giải mẹo dân gian chữa bệnh, Báo KH&ĐS được nhiều kể về mẹo chữa nấc cụt bằng cách uống 7 hớp nước đối với đàn ông và 9 hớp nước đối với đàn bà.
Theo cụ Nguyễn Thị Vinh, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội thì mẹo chữa nấc này đã được dân gian dùng từ rất lâu. Bản thân cụ cũng tiếp thu lại phương pháp này từ người khác và áp dụng thành công để chữa nấc cụt cho bản thân. Đồng thời, cụ cũng truyền lại phương pháp này cho các con cháu trong gia đình và hàng xóm.
|
Ảnh minh họa. |
Ở góc nhìn văn hóa, sẽ rất khó để suy đoán thời gian chính xác sự ra đời của phương pháp trị bệnh lạ lùng này cũng như địa phương sản sinh ra nó. Người ta chỉ có thể dựa vào cội nguồn triết lý của số 7 và 9 để mà lý giải. Cụ thể, 7 hồn 9 vía là quan niệm của Đạo giáo mà Lão Tử (sống ở thế kỷ thứ 6 hoặc thứ 4 TCN) là người sáng tạo ra. Theo đó, hồn thuộc về phần khí, thiên về sự thanh, nhẹ của con người. Phách hay còn gọi là vía thuộc về phần hình, có tính nặng. Vì vậy, khi chết phần hồn bay về trời, còn phách (nặng hơn) tiêu tán xuống đất cùng thể xác.
Vậy tại sao đàn ông có 3 hồn 7 vía mà đàn bà lại có 3 hồn 9 vía? Điều này có liên quan gì đến số lượng cốc nước uống để chữa nấc?... Theo kinh thư của Lão Tử thì sở dĩ có sự khác biệt về vía là do phụ thuộc vào thất khiếu. Đàn ông có 7 vía được tính theo 2 mắt, 2 tay, 2 lỗ mũi và miệng. Còn đàn bà có cửu khiếu là 2 lỗ mũi, 2 tay, 2 mắt, miệng, lỗ sinh dục và hậu môn. Điểm chung giữa đàn ông với đàn bà đó là 3 hồn, điều này phụ thuộc vào tam tiêu, tức là phần trên của dạ dày, giữa dạ dày và phần cuối dạ dày. Đó là quan niệm về số 7 và số 9 và thời gian ra đời của nó. Nhưng quan niệm này du nhập vào Việt Nam vào lúc nào và có liên hệ gì với mẹo chữa nấc quả thức khó lý giải và có phần hài hước.
Một số chuyên gia văn hóa cho rằng: Chẳng có mối liên quan nào giữa triết lý và hành động chữa nấc. Nhưng dân gian là vậy, phải chấp nhận sự lệch pha đó và bỏ qua cái đối nghịch trên thực tế mà nhìn về cội nguồn đẻ ra nó. Có thể, quan niệm này do những người chịu ảnh hưởng của Đạo giáo truyền bá vào Việt Nam và quan niệm về cách chữa nấc cụt là sự “khúc xạ” văn hóa phương Bắc thông qua lăng kính của cư dân Việt.
Liệu nước có chữa được bệnh?
Dưới góc nhìn biện chứng về y học và tâm ý, nhiều người cho rằng, số 7 hoặc số 9 không có tác dụng chữa hay không chữa được nấc cụt, mà mẹo dân gian này đánh vào tâm lý con người là chính. Tuy vậy, theo lý giải khoa học thì nấc được chia làm 2 dạng. Dạng nấc do bệnh lý và nấc do phản ứng tự nhiên của cơ thể. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do ăn quá nhanh, ăn cay, đói, nói một hơi trong thời gian dài, thiếu cân bằng điện giải, do dùng heroin, morphine, oxycodone, vitamins...
Nấc có thể xảy ra do áp lực lên thần kinh cơ hoành, thức ăn lên thực quản, do các khối u sinh ra ở thận hoặc hệ quả của các quá trình phẫu thuật... Triệu chứng nấc thường kéo dài từ vài phút hoặc vài ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nếu nấc kéo dài quá 2 ngày thì phải đến các cơ sở y tế để khám và chữa bệnh. Nếu thời gian nấc dưới 2 ngày thì có thể tự chữa tại nhà bằng các mẹo dân gian như đàn ông thì uống 7 hớp nước, đàn bà uống 9 hớp nước.
Trở lại với mẹo chữa nấc cụt bằng nước, nhiều người cho rằng, việc uống 7 hớp nước hay 9 hớp nước chỉ là liệu pháp tâm lý nhằm hướng người bị nấc cụt nghĩ đến một thứ khác và quên đi cảm giác khó chịu của nấc cụt. Cũng có người uống từng ngụm nước nhỏ và uống liên tục cho đến khi tan cơn nấc chứ không nhất thiết phải uống 7 hoặc 9 hớp nước như dân gian vẫn thường áp dụng.
Theo tìm hiểu của Báo KH&ĐS thì người dân một số nơi còn gán người bị nấc với hành vi ăn trộm nào đó. Chẳng hạn, một người bị nấc sẽ bị người khác tra hỏi về việc đã ăn trộm thứ gì? Ngay lập tức, người bị nấc sẽ tranh cãi với người khác về chuyện trộm cắp mà quên đi cơn nấc. Cách “chụp mũ” nấc với hành vi ăn trộm này thực chất là một biện pháp tâm lý nhằm hướng người bị nấc đến một trạng thái tâm lý khác quên đi mình đang bị nấc để hóa giải nó.
Theo Lương y Phạm Trọng Hùng, Nhà thuốc Đông y Phạm Trọng Hùng, tp Lào Cai thì nấc cụt với thời gian ngắn thường không gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người và dân gian chủ yếu dùng các liệu pháp tâm lý là chính. Tuy nhiên, nếu nấc cụt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và thậm chí là biểu hiện bệnh tật trong người. Lúc này, người bị nấc cụt phải nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám và chữa bệnh.
Trong dân gian, ngoài cách uống nước còn có nhiều cách chữa nấc cụt khác như đưa một thìa nhỏ đường vào gốc lưỡi và ngậm, cảm giác ngọt của đường sẽ làm dịu và xóa tan cơn nấc. Chườm đá lạnh vào cổ, cảm giác lạnh buốt sẽ làm tan cơn nấc. Nín thở vài giây bằng cách bịt mũi, miệng. Chạy hết tốc lực trên một quãng đường nhất định. Làm cho người bị nấc giật mình... Tất cả các biện pháp trên đều nhằm hướng người bị nấc đến trạng thái tâm lý khác thường để quên đi cơn nấc.
Dương Văn