Những loại kem dưỡng trắng hủy hoại da không kém gì kem trộn

Google News

Ngoài kem trộn ra, còn có rất nhiều sản phẩm làm đẹp được đưa vào 'danh sách đen', chị em cần biết để tránh 'tiền mất tật mang'.

Phái đẹp ham làm đẹp ‘cấp tốc’ nhưng lại tham rẻ không còn lạ gì nữa. Thế nhưng, sau rất nhiều lời cảnh báo, rất nhiều trường hợp hỏng da, biến dạng mặt chỉ vì ham làm đẹp ‘siêu tốc’, chị em vẫn bỏ ngoài tai, thi nhau tìm đến với những sản phẩm làm đẹp ‘thần tốc’ giá chưa đến 200 nghìn đồng.
Trong các sản phẩm làm đẹp siêu rẻ tiền và cũng siêu nguy hại nhất ấy phải kể đến kem trộn. Đúng như cái tên của nó, kem trộn là tổng hợp của nhiều loại chất trộn lại ra một thứ kem mà khi sử dụng ban đầu sẽ mang lại cho bạn cảm giác da trắng lên rất nhanh, hết mụn, sạch nám da. Tuy nhiên, sau đó không lâu làn da sẽ gặp các triệu chứng như mẩn ngứa, tấy đỏ, thậm chí phồng rộp, mụn mủ… Kể cả khi bạn ngưng sử dụng ngay lập tức thì làn da cũng đã bị tổn thương một cách nặng nề.
Lý do là trong các loại kem này đều chứa thành phần độc hại cực kì nguy hiểm cho da như corrticoid, becozyme, thủy ngân,… Corticoid là chất ức chế miễn dịch của da, khiến da ngậm nước mạnh, da sẽ trắng mịn và căng mọng rất nhanh chỉ trong vòng 24h sau khi bôi. Nếu sử dụng mỹ phẩm chứa chất này trong thời gian dài sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như teo da, giãn mạch.
Vì khả năng mang lại hiệu quả tức thì nên nhiều chị em coi các sản phẩm kem trộn như ‘’thần dược’’ dưỡng da nhưng chỉ sau 1 thời gian, bạn sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề, phải che mặt vĩnh viễn vì không dám để lộ gương mặt ‘biến dạng’ do tham làm đẹp rẻ tiền, tin vào lời quảng cáo của những shop bán hàng online.
Nhiều chị em tin dùng những loại mỹ phẩm rẻ tiền để rồi nhận hậu quả khôn lường. 
Theo một giảng viên đào tạo thẩm mỹ “Cấu trúc làn da của chúng ta bao gồm 4 lớp: lớp sừng, lớp hạt, lớp gai và lớp đáy. Trong đó lớp sừng và lớp hạt có chức năng miễn dịch tốt nhất, còn lớp gai là lớp da đẹp nhất, chưa có hệ miễn dịch. Khi dùng các sản phẩm lột da, kem trộn, lớp sừng và lớp gai bị bào mòn, lộ ra lớp gai vì thế làn da sẽ trở nên rất đẹp. Tuy nhiên, các bệnh lí, vi khuẩn ẩn chứa dưới lớp gai và lớp đáy sau một thời gian sẽ bùng phát bệnh lí ra ngoài như nám, mụn”.
Ngoài những loại kem trộn rẻ tiền, nhiều chị em phụ nữ lại tin rằng “hàng đắt là hàng tốt” hay thậm chí sính ngoại nên cứ sản phẩm nào ghi là của hàng nhập, hàng Mỹ, Hàn, Nhật… đều lấy được lòng tin của phái đẹp.
Chính điều này vô tình đã tạo điều kiện cho các ‘con buôn’ bất chấp lương tâm nâng giá sản phẩm lên cao, gắn mác hàng nhập (trong khi thực tế những sản phẩm đó cũng không khác gì loại kem trộn rẻ tiền). Ấy thế mà lại được chị em nhiệt tình ủng hộ.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại kem tương tự như kem trộn với các tên gọi như kem cốt kích trắng, kem cốt Thái siêu đặc, kem ủ trắng, sữa non cô đặc, kem cốt vitamin, bùn ủ siêu trắng.
Một hộp kem thường có giá từ 100 – 300 nghìnđồng, có loại tới 1 triệu đồng khiến người mua lầm tưởng là kem cao cấp sản xuất tại Nhật, Mỹ, chỉ vì dòng chữ Made In Japan, Made In USA dán trên vỏ.
Chỉ với những thao tác đơn giản, các bạn gái trẻ hay những bà nội trợ đã có thể tham khảo rất nhiều các loại kem cốt, kem sâm xuất xứ "Thái Lan", "Nhật Bản", "Hàn Quốc"… Đa phần các loại kem này đều được giới thiệu hấp dẫn, đi kèm là những hình ảnh thực tế của các cô gái xinh đẹp đang sử dụng, làm tăng sự tin tưởng của người mua vào sản phẩm.
Thêm nữa, để tạo được lòng tin cho khách hàng, các bạn bán hàng còn tạo ra các bình luận giả như “Dùng kem trắng da này thấy rất tốt, da mình đẹp lên chỉ sau 1 tuần sử dụng…”, hay “kem của bạn tốt quá trời, bạn bè mình ai cũng ngạc nhiên vì độ này thấy da mình trắng mịn hơn trước nhiều…”.
Không chỉ vậy, để phục vụ nhu cầu làm đẹp của chị em, đồng thời chỉ nhăm nhăm chú ý đến lợi nhuận, nhiều người còn sẵn sàng làm giả mỹ phẩm, khiến nhiều người mất tiền thật mua hàng giả.
Theo báo Nhân dân, kết quả điều tra, khảo sát của cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết, hiện nay trên thị trường có đến hơn 50% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng, mập mờ nguồn gốc, được rao bán công khai. Không ít người đã phải chịu những hậu quả đáng tiếc khi sử dụng những sản phẩm trôi nổi, làm giả này.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Quang, chuyên khoa II, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho hay: Trong năm 2014, có khoảng hơn 15 nghìn ca đến bệnh viện khám bệnh do viêm da tiếp xúc. Trong đó, nhiều trường hợp tới khám, chữa bệnh liên quan đến dị ứng mỹ phẩm, chủ yếu do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng.
Vì thế, để tránh “tiền mất tật mang”, các chị em nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua sản phẩm làm đẹp, tìm, lựa chọn những địa chỉ bán hàng uy tín. Hơn thế, sau khi sử dụng sản phẩm cần chú ý các triệu chứng để dừng sản phẩm kịp thời.
Một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết loại kem đang sử dụng chứa chất độc hại cho da như:
- Ban đầu, da trắng mịn, sạch mụn, nám rất nhanh, căng mong rất đẹp. Nhưng chỉ vài ngày thì da trắng kiểu bạch tạng, khác biệt hoàn toàn so với vùng cổ không sử dụng.
- Da ửng hồng hai bên má khiến nhiều người lầm tưởng là da hồng hào, nhưng thực ra là các mao mạch giãn nở, gây đỏ da.
- Gân máu xuất hiện nhiều trên da, nám lan rộng sang hai bên má, da mỏng, xuất hiện hiện tượng nóng, rát.
- Sần đỏ, nhiều người xuất hiện mụn nước, mụn mủ kèm theo ngứa. Khi hạt li ti vỡ ra dẫn đến chảy nước màu vàng. Khi vào chỗ có hơi nóng sẽ khiến cảm giác đỏ, rát, ngứa tăng lên nhiều lần.
Theo Mỹ An/ĐSPL