Hiểu lầm: Ung thư là bệnh lây truyền
Sự thật: Ung thư không lây truyền. Tuy nhiên, một số loại vi-rút và vi khuẩn có thể lây từ người sang người có thể gây ung thư. Một số loại vi-rút gây u nhú ở người (HPV) đã được biết tới là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn và một số loại ung thư vùng đầu cổ. Vi-rút viêm gan B và vi-rút viêm gan C làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan.
Các loại vi khuẩn như H.pylori có thể gây ung thư dạ dày. Điều quan trọng cần nhớ là mặc dù vi-rút và vi khuẩn gây ra một số bệnh ung thư có thể lây từ người sang người nhưng bệnh ung thư do chúng gây ra không thể lây từ người sang người.
Hiểu lầm: Nếu trong gia đình từng có người mắc bệnh ung thư thì quý vị cũng sẽ mắc ung thư
Sự thật: Mặc dù tiền sử gia đình có người mắc ung thư sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh của quý vị, nhưng điều đó không phải là yếu tố duy nhất quyết định sức khoẻ trong tương lai của quý vị.
Ước tính có khoảng 4 trong số 10 bệnh ung thư có thể dự phòng được bằng việc thực hiện những thay đổi lối sống đơn giản, ví dụ như hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường, tập thể dục, hạn chế đồ uống có cồn, thực hiện các biện pháp chống nắng và tránh sử dụng thuốc lá.
Nếu quý vị có một số gen ung thư khiến quý vị có nguy cơ cao mắc ung thư thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật hoặc kê thuốc để làm giảm nguy cơ phát sinh ung thư.
Hiểu lầm: Ung thư phát triển nhờ vào đường
Sự thật: Không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh rằng việc sử dụng đường trong chế độ ăn sẽ khiến ung thư phát triển và lan tràn nhanh hơn.
Tất cả các tế bào trong cơ thể, cả tế bào bình thường lẫn tế bào ung thư đều cần đường để phát triển và hoạt động. Không có bằng chứng cho thấy sử dụng đường trong chế độ ăn sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của ung thư hoặc cắt bỏ hoàn toàn đường trong chế độ ăn sẽ làm chậm sự phát triển của nó.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là quý vị nên ăn chế độ ăn nhiều đường. Tiêu thụ quá nhiều calo từ đường có liên quan đến tăng cân, béo phì và đái tháo đường, là những nhân tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư và các bệnh lý khác.
Không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy sử dụng đường trong chế độ sẽ khiến ung thư phát triển nhanh hơn. Nguồn ảnh: /www.mskcc.org
Hiểu lầm: Ảnh hưởng của các phương pháp điều trị ung thư thường tồi tệ hơn ảnh hưởng của bản thân bệnh ung thư
Sự thật: Mặc dù các phương pháp điều trị ung thư như hoá trị hoặc xạ trị có thể gây ra các tác dụng phụ khó chịu và đôi khi nghiêm trọng nhưng những tiến bộ gần đây đã tạo ra nhiều loại thuốc và phương pháp xạ trị mà các tác dụng phụ dễ kiểm soát hơn. Do đó, các triệu chứng như buồn nôn và nôn nghiêm trọng, rụng tóc và tổn thương mô đã trở nên ít gặp hơn nhiều.
Tuy nhiên, quản lý các tác dụng phụ, còn được gọi là chăm sóc hỗ trợ hoặc chăm sóc giảm nhẹ, vẫn là một phần quan trọng trong chăm sóc ung thư. Chăm sóc hỗ trợ có thể giúp người bệnh thấy thoải mái hơn ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Người bệnh được điều trị ung thư và điều trị để giảm bớt tác dụng phụ cùng lúc thường có ít triệu chứng nghiêm trọng hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và cho biết họ hài lòng với việc điều trị hơn.
Hiểu lầm: Việc không biết bản thân bị ung thư sẽ khiến người bệnh thấy dễ dàng hơn
Sự thật: Quý vị không nên bỏ qua các triệu chứng hoặc dấu hiệu của ung thư, ví dụ như sờ thấy khối ở vú hoặc phát hiện nốt ruồi bất thường. Mặc dù ý nghĩ về việc mắc bệnh ung thư rất đáng sợ nhưng trao đổi với bác sĩ và được chẩn đoán sẽ giúp quý vị có sức mạnh để đưa ra những lựa chọn sáng suốt và được điều trị tốt nhất có thể.
Vì việc điều trị thường có hiệu quả hơn trong giai đoạn đầu của bệnh ung thư nên chẩn đoán sớm sẽ giúp cải thiện cơ hội sống sót của người bệnh.
Hiểu lầm: Thái độ của người bệnh sẽ ảnh hưởng đến tình trạng bệnh ung thư
Sự thật: Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy thái độ tích cực sẽ ngăn ngừa ung thư, giúp người bệnh ung thư sống lâu hơn hoặc ngăn ngừa bệnh ung thư tái phát. Tuy nhiên, những điều thúc đẩy suy nghĩ tích cực như phương pháp thư giãn, nhóm hỗ trợ cũng như mạng lưới hỗ trợ của gia đình và bạn bè có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và tâm trạng của người bệnh.
Điều quan trọng cần nhớ là việc quá coi trọng đến thái độ có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi và thất vọng không cần thiết, nếu vì những lý do ngoài tầm kiểm soát mà sức khỏe của quý vị không được cải thiện.
Những hiểu lầm và sự thật về ung thư nhiều người không biết - Ảnh BSCC
Hiểu lầm: Các công ty dược, chính phủ và cơ sở y tế đang che giấu phương pháp chữa khỏi bệnh ung thư
Sự thật: Không ai che giấu phương pháp chữa khỏi bệnh ung thư. Thực tế là sẽ không có một phương pháp đơn lẻ nào chữa khỏi được bệnh ung thư. Có hàng trăm loại ung thư và mỗi loại sẽ phản ứng khác nhau với các phương pháp điều trị khác nhau. Vẫn còn nhiều điều phải nghiên cứu, đó là lí do tại sao cần có các thử nghiệm lâm sàng để đạt được tiến bộ trong việc dự phòng, chẩn đoán và điều trị ung thư.
Hiểu lầm: Nếu không được làm tất cả các xét nghiệm, thủ thuật và các phương pháp điều trị hiện có thì người bệnh sẽ không được điều trị tốt nhất
Sự thật: Không phải mọi xét nghiệm, điều trị hay thủ thuật đều phù hợp với mọi người bệnh. Quý vị và bác sĩ điều trị nên thảo luận xem phương pháp nào sẽ làm tăng cơ hội phục hồi và giúp quý vị duy trì chất lượng sống tốt nhất.
Quý vị cũng nên thảo luận xem phương pháp nào có thể làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ và làm phát sinh các chi phí không cần thiết. Sau khi thảo luận, nếu cần thêm thông tin trước khi đưa ra quyết định điều trị thì quý vị có thể tham khảo thêm ý kiến chuyên môn thứ hai từ chuyên gia ung thư ngoài bác sĩ điều trị.
Những từ cần biết
· Lành tính: Sự tăng sinh khiến khối u lớn hơn nhưng không lan tràn.
· Ung thư: Một nhóm gồm hơn 100 bệnh khác nhau, đặc trưng bởi sự tăng sinh tế bào bất thường và khả năng phát triển cũng như lan tràn sang các mô và khu vực khác của cơ thể.
· Hoá trị: Phương pháp điều trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư.
· Thử nghiệm lâm sàng: Nghiên cứu thử nghiệm các phương pháp điều trị và/hoặc phương pháp dự phòng mới để tìm hiểu xem chúng có an toàn, hiệu quả và có tốt hơn phương pháp điều trị tiêu chuẩn hiện tại (phương pháp điều trị được biết đến nhiều nhất) hay không.
· Lây truyền: Có khả năng lây từ người sang người qua tiếp xúc.
· Tiền sử gia đình: Có một hoặc nhiều người thân trong gia đình được chẩn đoán mắc một bệnh.
· Ác tính: Khối u hoặc sự tăng sinh mang tính chất ung thư
· Tiên lượng: Khả năng phục hồi
· Xạ trị: Phương pháp điều trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
· Nguy cơ: Khả năng xảy ra một sự kiện không mong muốn (ví dụ bệnh tật).
· Sàng lọc: Quy trình kiểm tra để phát hiện bệnh hoặc nguy cơ cao phát triển bệnh ở người không có triệu chứng.
· Chăm sóc hỗ trợ: Chăm sóc làm giảm tác dụng phụ, còn được gọi là chăm sóc giảm nhẹ.
· Khối u: Sự phát triển bất thường của mô cơ thể
BS Đào Thanh Lan (Khoa Giải phẫu bệnh – Tế bào, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội)
BS Đào Thanh Lan