Những hậu quả thương tâm vì người lớn cho trẻ dùng thuốc sai cách

Google News

Nhiều trường hợp trẻ rơi vào tình trạng li bì, hôn mê, gặp nhiều di chứng, thậm chí tử vong do người lớn tự ý cho trẻ dùng thuốc hoặc dùng thuốc sai liều lượng cho phép.
 

Mới đây, Trung tâm Sản Nhi (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ) đã tiếp nhận một bệnh nhi 27 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do dùng thuốc hạ sốt Paracetamol quá liều.
Trước đó, bé đã sốt 4 ngày, sốt cao từng cơn, ho khò khè nên gia đình cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg x 4 viên/ngày. Bé đã uống thuốc được 4 ngày.
Nhung hau qua thuong tam vi nguoi lon cho tre dung thuoc sai cach
 Bé 27 tháng tuổi nguy kịch vì dùng thuốc hạ sốt quá liều. Ảnh: BVCC
Tại bệnh viện, các bác sĩ đánh giá, đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan. Sau khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản, bệnh nhi được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.
Sự việc trên một lần nữa là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc cha mẹ trong việc sử dụng thuốc hạ sốt cho con nói riêng và các loại thuốc khác nói chung.
Theo ThS.BS Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), mặc dù các phương tiện truyền thông đã khuyến cáo nhiều nhưng tình trạng bệnh nhi nhập viện do bố mẹ tự ý cho trẻ uống thuốc vẫn còn xảy ra.
Có một số bố mẹ khi thấy con sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy… đã tự ý cho con uống thuốc thay vì đưa trẻ đến bác sĩ khám bệnh mà không lường hết hậu quả gây ra cho đứa trẻ.
Bé 7 tháng tuổi nguy kịch vì bà cho uống thuốc cam chữa loét miệng
Ngay cuối tháng 6 vừa qua, một bé trai 7 tháng tuổi quê Thanh Hóa đã rơi vào tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài liên tục sau khi được bà nội bôi và cho uống thuốc cam chữa loét miệng. Bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Tại đây, qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ nhận định bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam. Bệnh nhi được lấy mẫu máu định lượng nồng độ chì. Kết quả nồng độ chì trong máu cao hơn mức cho phép hàng trăm lần.
Theo BS Đinh Thị Hồng, Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh nhi bị hội chứng não cấp do ngộ độc chì mức độ nặng. Ngoài ra, bé còn bị tổn thương gan, thiếu máu nặng.
Tử vong vì bố bôi rượu lên người để hạ sốt
Cũng trong tháng 6 vừa qua, tại một bệnh viện ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vừa báo cáo một thường hợp em bé 8 tháng tuổi tử vong sau khi sốt cao.
Trước đó, khi thấy con bị sốt cao, trong nhà lại không sẵn thuốc hạ sốt, người bố từng nghe nói có thể dùng rượu hoặc cồn cao độ thoa lên cơ thể để hạ sốt nên đã trực tiếp lấy rượu công nghiệp có sẵn trong nhà để chà sát lên cơ thể con.
Nhung hau qua thuong tam vi nguoi lon cho tre dung thuoc sai cach-Hinh-2
 Nhiều trường hợp trẻ gặp họa vì sai lầm của người lớn. Ảnh: TL

Trái với hy vọng hạ thân nhiệt như lời đồn, một lúc sau, em bé vẫn tiếp tục sốt cao và gần như rơi vào hôn mê, cơ thể không có phản ứng. Nghĩ bé đang ngủ say, người bố tiếp tục để cho bé nằm ở nhà.
Cho đến gần sáng ngày hôm sau, đứa trẻ vẫn im lìm. Quá hốt hoảng, gia đình vội đã đưa bé vào bệnh viện nhưng trên đường đi, em bé đã tử vong.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ kết luận, em bé 8 tháng tuổi đã tử vong do suy nội tạng và chết não. Nguyên nhân chính là do việc bôi cồn quá mạnh lên da em bé khi sốt cao dẫn đến sự việc đau lòng trên.
Trị ho, sốt bằng thuốc bắc, bé 2 tuổi tử vong
Cuối tháng 4/2019, một bệnh nhi 2 tuổi (trú tại TP.HCM) cũng đã tử vong trên đường đi cấp cứu vì bị biến chứng khi sử dụng thuốc bắc trị ho, sốt.
Theo lời người thân, trước đó, bé có triệu chứng ho khạc đờm, sốt và nôn ói. Bố mẹ bé đã đến một cơ sở y học cổ truyền để mua thuốc bắc cho bé uống. Tuy nhiên mới chỉ uống được 2 lần, bé đã liên tục đi cầu phân đen kèm máu tươi, sốt và ói nặng nề hơn.
Sau đó, bé rơi vào tình trạng không ăn uống được, liên tục nôn ói, môi và các đầu ngón tay tím tái. Dù được gọi xe cấp cứu để đưa đến viện nhưng khi các bác sĩ đến nơi, mọi thứ đã quá trễ. Đồng tử bé đã giãn quá nhiều. Dù các bác sĩ nỗ lực hồi sức tim nhưng vô vọng. Em bé đã không qua khỏi.
Bé 4 tháng ngừng thở vì bà dùng sái thuốc phiện chữa tiêu chảy
Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận một trường hợp bé 4 tháng tuổi vào viện trong tình trạng khó thở, tím tái, hạ thân nhiệt, hôn mê và có cơn ngừng thở.
Sau khi thăm khám, cháu được chẩn đoán là suy hô hấp, hôn mê, hạ thân nhiệt trên tình trạng tiêu chảy kéo dài.
Theo lời kể của người nhà, trước đó bé bị tiêu chảy, bà cháu đã cho ăn một ít sái thuốc phiện. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, bé bị tím tái, ngừng thở là do thành phần thuốc phiện gây ức chế trung tâm điều khiển hô hấp làm trẻ ngừng thở, vô cùng nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Theo N.Mai/Gia đình xã hội