|
Nếu bị phát ban ở tay, hãy đeo găng tay khi cầm các đồ vật thông thường hoặc chạm vào các bề mặt trong không gian chung. Ảnh: Healthshots.
|
Việc xuất hiện ca đậu mùa khỉ trong nước - vào ngày 3/10 vừa qua - được đánh giá là điều không quá bất ngờ, khi nước ta đã mở cửa trở lại sau thời kỳ đóng băng vì Covid-19, việc đi lại giữa các quốc gia cũng dễ dàng hơn.
Nếu tin tức về việc có ca nhiễm xuất hiện khiến bạn hoang mang và cơ thể có những triệu chứng như sốt, phát ban, đây là một số điều bạn có thể làm.
Cần làm gì khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh
Theo UN News, bệnh đậu mùa khỉ không phải là một căn bệnh mới mà đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, đợt bùng phát quốc tế bắt đầu vào tháng 5 vừa rồi khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Bệnh do virus đậu mùa khỉ, cùng họ với bệnh đậu mùa, gây ra nhưng thường ít nghiêm trọng hơn. "Bất kỳ ai tiếp xúc gần với người có khả năng lây nhiễm đều có nguy cơ mắc bệnh”, WHO cho biết.
Theo WHO, nếu bạn tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh đậu mùa khỉ hoặc môi trường có thể đã bị nhiễm virus, trong 21 ngày sau lần tiếp xúc cuối cùng, hãy theo dõi bản thân chặt chẽ để biết các dấu hiệu và triệu chứng.
Hãy hạn chế tiếp xúc gần gũi với người khác càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể tránh khỏi việc tiếp xúc, hãy cho người tiếp xúc biết rằng bạn đã tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ.
Nếu bạn nghĩ mình có triệu chứng của bệnh, hãy liên hệ với các nhân viên y tế để được tư vấn, xét nghiệm và chăm sóc y tế. Các triệu chứng có thể đa dạng từ nổi hạch, phát ban đến sốt, mệt mỏi, đau cơ. Cho đến khi bạn nhận được kết quả xét nghiệm, hãy cách ly bản thân với người khác nếu có thể. Đồng thời, hãy vệ sinh tay thường xuyên là điều cần thiết.
Nếu bạn có kết quả dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, nhân viên y tế sẽ tư vấn cho bạn về việc nên cách ly tại nhà hay tại cơ sở y tế và bạn cần lưu ý những gì.
Nên làm gì khi đã nhiễm bệnh?
Theo CDC, hiện không có phương pháp điều trị đặc biệt cho bệnh đậu mùa khỉ. Vì virus gây bệnh này và bệnh đậu mùa có liên quan chặt chẽ với nhau, các loại thuốc và vaccine được phát triển để điều trị và bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa có thể có hiệu quả đối với bệnh đậu mùa khỉ.
|
Vệ sinh tay thường xuyên là điều cần thiết cho cả người nghi nhiễm hoặc đã nhiễm bệnh. Ảnh: Nationalgeographic.
|
Tuy nhiên, cách điều trị cho người mắc bệnh đậu mùa khỉ sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh hoặc họ có khả năng bị bệnh nặng hay không. Hầu hết người bị bệnh đậu mùa khỉ hồi phục hoàn toàn trong vòng 2 đến 4 tuần mà không cần điều trị y tế.
Trong giai đoạn mắc bệnh đậu mùa khỉ bạn nên:
- Dùng gạc hoặc băng che vết ban để hạn chế lây lan cho người khác và môi trường.
- Không sờ hoặc gãi các tổn thương do phát ban. Điều này không làm tăng tốc độ phục hồi mà còn có thể lây virus sang các bộ phận khác của cơ thể.
- Không cạo vùng da bị phát ban cho đến khi tróc vảy và lớp da mới hình thành. Cạo lên vùng da bị phát ban có thể làm lây lan virus và gây ra nhiều tổn thương hơn.
- Giữ cho vùng da bị tổn thương hay vùng phát ban sạch sẽ và khô ráo khi không tắm.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc trực tiếp với nốt ban. Nếu bạn bị phát ban trên tay, hãy cẩn thận khi rửa hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh để không kích ứng phát ban.
- Nếu bạn bị phát ban ở tay, hãy đeo găng tay (loại không gây kích ứng) khi cầm các đồ vật thông thường hoặc chạm vào các bề mặt trong không gian chung. Nếu có thể, hãy sử dụng găng tay dùng một lần (ví dụ: găng tay cao su). Đối với găng tay có thể tái sử dụng, bạn nên rửa sạch bằng xà phòng và nước giữa các lần sử dụng.
- Đeo khẩu trang vừa vặn khi tiếp xúc với người khác cho đến lúc hết phát ban và các triệu chứng khác.
- Ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi nhiều để cơ thể khỏe mạnh.
Kiểm soát các triệu chứng bệnh
Theo CDC, các loại thuốc như ibuprofen (Advil, Motrin) và acetaminophen (Tylenol) có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, các nhân viên y tế cũng có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn.
Đối với phát ban trong miệng, hãy súc miệng bằng nước muối ít nhất 4 lần/ ngày. Nước súc miệng theo toa hoặc thuốc gây tê cục bộ như lidocain có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau. Ngoài ra, thuốc sát trùng miệng như nước súc miệng chlorhexidine có thể được sử dụng để giúp giữ cho miệng sạch sẽ.
Bạn nên liên hệ với nhân viên y tế nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng và không thể kiểm soát được tại nhà.
Cách giảm phát ban
Điều quan trọng nhất là cố gắng không chạm hoặc gãi vào vết phát ban. Điều này có thể lây lan phát ban sang các bộ phận khác của cơ thể, làm tăng cơ hội lây lan virus cho người khác và có thể khiến các vết thương hở bị nhiễm vi khuẩn.
|
Ngâm mình trong bồn nước ấm có thể giúp giảm bớt cảm giác khô, ngứa do phát ban. Ảnh: Byrdie.
|
Nếu bạn vô tình chạm vào vùng phát ban, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước. Cần tránh chạm tay vào những vùng nhạy cảm như mắt, mũi, miệng, bộ phận sinh dục và trực tràng (mông).
Theo CDC, bạn có thể sử dụng gel bôi tại chỗ như benzocain hoặc lidocain để giảm đau tạm thời. Thuốc kháng histamine dạng uống như Benadryl và các loại kem bôi như lotion calamine hoặc sáp dầu khoáng có thể giúp giảm ngứa.
Ngoài ra, ngâm mình trong bồn nước ấm (sử dụng bột yến mạch hoặc các sản phẩm tắm không kê đơn khác dành cho da ngứa) có thể giúp giảm bớt cảm giác khô, ngứa do phát ban.
Tắm ngồi mang lại hiệu quả cho những người bị phát ban ở hoặc xung quanh hậu môn, bộ phận sinh dục hoặc đáy chậu (nhiễm trùng). Bồn tắm ngồi là một bồn nước nông và tròn, có thể mua trực tuyến hoặc tại hiệu thuốc. Hầu hết bồn này vừa vặn trên vành của bồn cầu nhưng cũng có thể được đặt trong bồn tắm.
Nếu không có bồn tắm ngồi, người bệnh cũng có thể ngồi trong bồn tắm với mực nước nông. Nhân viên y tế có thể kê đơn thuốc như povidone-iodine hoặc các sản phẩm khác như muối Epsom, giấm hoặc baking soda vào nước để giúp làm dịu da.
Theo Nam Giao/Zing