Sophia Kingston, một quản lý khách sạn tại Anh, sẽ kết hôn trong vòng 2 năm tới. Ngay từ bây giờ, cô đã bắt tay vào việc lên kế hoạch cho đám cưới của mình.
Cô gái sắp sửa khoác lên mình chiếc váy cưới thừa nhận bản thân chưa từng nghĩ cảnh chuẩn bị cho ngày lên xe hoa lại lắm rắc rối và biến cô thành một người khó chịu đến mức nào.
"Thật khó để giữ bình tĩnh khi vừa cất nhắc mọi thứ cần thiết, vừa lo công việc hàng ngày, chưa kể việc ‘cân đo đong đếm’ chi phí và danh sách khách mời cũng đủ làm tôi đau đầu”, Sophie thổ lộ.
Chứng kiến cảnh Sophie gần như “hoảng loạn” về việc tổ chức đám cưới, mọi người trêu chọc, gọi cô là “Bridezilla”, từ ngữ lấy cảm hứng từ quái vật Godzilla nổi tiếng, nhằm chế giễu những cô dâu làm tất cả để biến ngày kết hôn diễn ra theo đúng ý định của mình, đến mức đòi hỏi người thân, khách mời những yêu cầu kỳ quặc, vô lý.
Cho mình là "cái rốn" của vũ trụ
Thuật ngữ Bridezilla, ví von cô dâu với loài quái vật Godzilla đáng sợ, ra đời từ cuối những năm 1990 của thế kỷ trước.
Năm 2009, từ ngữ này phổ biến hơn khi bộ phim nổi tiếng "Cô dâu Đại chiến" với sự góp mặt của Anne Hathaway và Kate Hudson, trong đó 2 nhân vật chính cố gắng phá hoại đám cưới của nhau.
Những cô dâu vô duyên dần trở thành hình tượng bị nhiều người ghét bỏ, bên cạnh các hình tượng phụ nữ dễ gây bức xúc khác như mẹ chồng khó tính, chì chiết con dâu.
“Bạn thân của tôi nhờ cậy tôi làm phù dâu, chúng tôi lên kế hoạch cho đám cưới trong một năm. Điều kiện của hai vợ chồng không khá giả lắm nên hầu như mọi chi phí đều do người khác chi trả. Đầu tiên, cô ấy không có tiền thuê địa điểm, tôi quyết định trả, coi như quà mừng cưới. Bạn tôi cũng không đủ tiền để thuê váy cho các phù dâu, lại là tôi rút ví”, Aisha Miller (28 tuổi) kể lại.
Cô gái chỉ thực sự bực tức với bạn thân của mình, sau khi người bạn này đột ngột đổi ý các quyết định mọi người đã bàn bạc kỹ lưỡng trước đó.
“Cô ấy bắt đầu chê bai chủ đề, màu sắc rồi những bông hoa được đặt cho đám cưới. Đến chiếc váy được người cha trả tiền, cô ấy cũng quyết bán đi”, Aisha cho hay.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Erin White (25 tuổi) cho biết người bạn của mình tỏ rõ thái độ lạnh nhạt sau khi cô không thể chiều ý của bạn thân vào ngày cưới.
“Tôi tiến hành phẫu thuật nâng ngực, điều tôi đã ấp ủ và tiết kiệm từ lâu, vào trước đám cưới bạn mình. Tuy nhiên, cô ấy lại yêu cầu tôi lùi ngày với lý do muốn trở thành người nóng bỏng nhất tại tiệc cưới và tôi có thể làm lu mờ cô ấy với bộ ngực mới. Khi tôi nói mình không thể đổi, bạn tôi trở nên hằn học”, Erin nhớ lại.
Yêu cầu em họ mình làm phù dâu rồi chê bai người em quá béo. Chỉ trích phù dâu không chịu bỏ tiền thuê trang phục. Bắt chồng tương lai làm thêm để có tiền tổ chức đám cưới. Đăng tải rộng rãi ảnh nhẫn đính hôn và phàn nàn đó không phải là thứ cô nàng muốn.
Trên các diễn đàn nổi tiếng như Reddit, không khó để bắt gặp nhiều người chia sẻ các trải nghiệm “kinh khủng, không thể chịu đựng nổi” khi các cô dâu gần như ép buộc họ phải chiều lòng “nhân vật chính” của đám cưới.
“Tôi không thể chịu đựng điều này”, Mark Niemierto, một wedding planner (tạm dịch: nhà tổ chức đám cưới), cho hay. Gần đây, Mark buộc phải thẳng thắn từ chối yêu cầu của một cô dâu khi người này liên tục thô lỗ với nhân viên của anh.
Câu chuyện chiều lòng các “thượng đế” với những người làm công việc như Mark không còn là điều lạ lẫm, nhưng ngày càng có nhiều cô dâu đòi hỏi quá mức và không biết kiềm chế thái độ.
“Các đám cưới xa hoa, sang trọng của người nổi tiếng với nhiều chi tiết cầu kỳ, đắt tiền như pháo hoa, bóng bay cỡ lớn, trang phục thay đổi liên tục khiến những người bình thường coi đó là chuẩn mực để tổ chức theo. Xu hướng hiện đại là ai cũng muốn ngày trọng đại của mình trở nên hoành tráng và hào nhoáng nhất”, Mark kết luận.
Cô dâu nào cũng phải chịu áp lực
Alena Ruggerio, Giáo sư tại Đại học South Oregon (Mỹ), lý giải các “hành vi cực đoan” của những người vợ tương lai xuất phát từ việc nhiều cô gái coi trọng ngày trọng đại là “một thành tựu của cuộc đời”.
“Từ nhỏ, qua sách báo và phim ảnh, các cô gái đã ăn sâu tư tưởng đám cưới phải là một ngày hoàn hảo. Và khi mọi người xung quanh không thể chiều theo những tiêu chuẩn đó, sự căng thẳng của cô ấy sẽ bùng nổ”, vị giáo sư phân tích.
Jilly Kay, giảng viên ngành Truyền thông tại Đại học Leicester (Anh), cho biết việc các cô dâu tự cho mình quyền định đoạt mọi thứ trong đám cưới và buộc những người khác phải nghe theo phần nào phản ánh “việc nữ quyền bị nhìn nhận sai lệch, khi phụ nữ cho phép mình cả quyền ra lệnh lẫn quyền tức giận nếu bị phản đối. Nhiều phụ nữ muốn khẳng định bản thân, muốn kiểm soát và có tiếng nói”.
Tuy nhiên, việc tổ chức đám cưới chu toàn chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, với phần lớn khâu chuẩn bị thuộc về "cô dâu tương lai".
Theo một khảo sát năm 2016 của Kalm, 44% các cặp vợ chồng được hỏi cho hay họ lo lắng nhất về danh sách khách mời, so với 38% số người “đau đầu” về chi phí tổ chức đám cưới và 35% mọi người cho rằng việc đảm bảo bạn bè và gia đình hai bên hạnh phúc khi tham dự là vấn đề khiến họ phải xoay xở nhất.
“Không chỉ đảm bảo mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, các cô dâu phải lo gia đình hai bên và khách mời đều vui vẻ, hạnh phúc. Nếu một số phụ nữ cảm thấy áp lực, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. ‘Bridezilla’ phần nào thể hiện định kiến của mọi người về công việc của nữ giới, khi chúng ta không để ý đến các gánh nặng họ gặp phải”, giáo sư Jilly chỉ ra.
“Tất nhiên, sẽ có những người hành động như thể mình là ‘cái rốn của vũ trụ’, song mong muốn chiều lòng tất cả người tham dự và nỗi sợ bị chỉ trích vì không biết sắp xếp tác động không nhỏ lên suy nghĩ của các cô dâu”, cô khẳng định.
Thực tế, không có cụm từ nào ra đời để chế giễu các chú rể - đối tượng cũng khiến không ít nhà tổ chức đám cưới, bạn bè và khách mời không hài lòng vì cách hành xử.
“Và thậm chí, chú rể tương lai có thể hạch sách kinh khủng hơn cả người vợ của họ. Khi họ bỏ số tiền lớn và không được đáp ứng yêu cầu, không ai biết họ sẽ phản ứng khó chịu như nào”, Mark cho biết.
“Tôi đã dành 8 năm qua để làm việc với những cô dâu, mức độ chi tiêu của từng người rất khác nhau. Sự tỉ mỉ của những cô gái dành cho mọi chi tiết nhỏ nhất đúng là ấn tượng và đáng để cho chúng ta học hỏi. Hãy tưởng tượng việc các cô gái phải xoay xở với yêu cầu ăn uống của 100 vị khách và mỗi người lại có đòi hỏi khác nhau”, Jade Beer, cựu biên tập viên của một tạp chí chuyên về đám cưới, cho hay.
Theo Trà My/ Zing